Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi tháng có gần 100 ca mắc bệnh tay chân miệng. Từ tháng 4, số ca mắc tăng mạnh, riêng tháng 5 ghi nhận 376 ca, đến tháng 6 số ca mắc có xu hướng giảm. Hiện tại, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh gần 1.190 ca, vượt ngưỡng trung bình 5 năm (2020 - 2024) nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cảnh báo dịch. Toàn tỉnh ghi nhận 22 ổ dịch, trong đó có 5 ổ dịch ở các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.
Cán bộ Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh sốt rét. |
Toàn tỉnh cũng ghi nhận hơn 2.290 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 88 trường hợp xác định sởi (cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca xác định sởi), chưa ghi nhận ổ dịch sởi. Đa số ca mắc sốt phát ban nghi sởi có độ tuổi dưới 15 và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Về Covid-19, toàn tỉnh ghi nhận 77 ca mắc, chưa ghi nhận ca nặng, chưa có ổ dịch tập trung. Về bệnh sốt xuất huyết, toàn tỉnh có hơn 3.440 ca, với 175 ổ dịch, trong đó 127 ổ dịch đã kết thúc.
Những bệnh có số ca giảm so với cùng kỳ năm 2024 như: Tiêu chảy hơn 1.090 ca mắc, giảm 35,4%; viêm não Nhật Bản, viêm gan C không có ca mắc, giảm 100%; viêm gan B có 153 ca, giảm 21,5%; sốt rét 40 ca, giảm 75%...
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, trung tâm đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch giám sát hỗ trợ phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, sởi, các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; tiếp nhận và phân bổ vắc xin, vật tư, hóa chất, thuốc phòng, chống dịch bệnh cho các đơn vị nhằm đảm bảo công tác xử lý dịch được kịp thời. Trung tâm cũng triển khai tập huấn về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế; phối hợp và thực hiện kịp thời công tác xác định và xử lý các ổ dịch…
Mặc dù ngành Y tế tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp, nhưng với tình hình các bệnh truyền nhiễm xâm nhập, bệnh mới nổi, tái nổi xuất hiện và diễn biến khó lường ở các nước và một số tỉnh, thành phố trong nước hiện nay; điều kiện thời tiết diễn biến thất thường... làm tăng nguy cơ xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm thường lưu hành như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, sốt rét có khả năng bùng phát trong thời gian tới. "Để hạn chế thấp nhất số ca mắc, cùng với các biện pháp quyết liệt của ngành Y tế tỉnh, các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm đang lưu hành; tích cực giám sát ca bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các tuyến theo hướng phát hiện sớm và chủ động phòng, chống, không để dịch xảy ra; cập nhật đầy đủ ca bệnh lên phần mềm để toàn ngành cùng giám sát theo dõi...” - bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết.
Những tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh, điều tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống dịch; duy trì công tác tiêm chủng mở rộng, tiếp nhận và cấp phát vắc xin, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác chống dịch cho các đơn vị; truyền thông cho người dân về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Người dân cũng cần chủ động phối hợp với ngành Y tế tỉnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo, qua đó hạn chế tình trạng bệnh chồng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.
C.ĐAN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202507/nhieu-benh-truyen-nhiem-co-so-ca-mac-tang-87559d5/
Bình luận (0)