Bóng mát giữa lòng phố thị
Ở phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng có một cây thị cổ thụ ở bên lề quốc lộ 22B, sát hàng rào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Trảng Bàng.
"Lão thị" đứng chân ở đây lâu đến nỗi nhiều người dân xứ Trảng quen gọi Trung tâm GDNN-GDTX Trảng Bàng là Trường Cây Thị. Cây thị cao hơn 8m, tàn xoè rộng với đường kính khoảng 10m, bề hoành gốc khoảng ba vòng tay người lớn.
Theo lời một số người dân cao niên ở địa phương, khi các cụ lớn lên đã thấy cây thị hiện diện ở đây, ước tính đến nay, cây thị đã hơn 100 tuổi. Những năm trước, cây thị đứng trong hàng rào khuôn viên Trung tâm, từ khi quốc lộ 22B nâng cấp, mở rộng lề đường, hàng rào Trung tâm phải lùi vào trong một đoạn, từ đó đến nay, cây thị đứng ngoài hàng rào.
Khi chúng tôi đến tham quan, thấy trên cành có nhiều trái chín xen kẽ với nhiều trái khác còn xanh. Buổi trưa, tán cây thị trở thành nơi che mát cho một số người dân hành nghề “xe ôm”, xe lôi và những em học sinh chờ phụ huynh đến rước.
Có vài em học sinh nhặt những trái thị “bánh xe” vừa rụng xuống, nâng niu trong lòng bàn tay và hít hà mùi thơm dễ chịu. Một em học sinh cho biết: “Em sẽ không ăn trái thị này mà đem về nhà, để lên đầu giường làm kỷ niệm”.
Ở thị xã Hoà Thành cũng có không ít cây ăn trái được người dân trồng ven đường vừa tạo bóng mát, vừa đem lại nhiều lợi ích khác. Trên lề đường An Dương Vương, phường Long Thành Bắc hiện có một cây sa kê khá to, cành lá sum suê. Dưới gốc sa kê là một quán cà phê nhỏ, không tên. Bên cạnh cây sa kê là thánh thất Long Thành Bắc.
Nơi đây trở thành điểm đến thưởng thức cà phê sáng, điểm dừng chân nghỉ trưa của nhiều người dân địa phương và du khách thập phương mỗi khi đến thánh thất. Ông Cường, 53 tuổi, chủ quán cà phê nhớ lại: “Cây này do người em vợ tôi trồng từ 12 năm trước để tạo bóng mát”.
Theo lời chủ quán cà phê, cây sa kê có lá to, tạo bóng mát tốt, ít rụng lá. Khi lá rụng dễ dàng thu gom, không phải tốn nhiều công sức quét dọn như những loài cây khác. Đặc biệt lá sa kê là vị thuốc nam, có tác dụng trị được nhiều loại bệnh, nên gia đình trồng để lấy lá tặng cho những người cần trị bệnh.
Trái sa kê được chế biến thành một số thức ăn ngon như chiên, luộc, nấu cà ri… Trung bình mỗi năm, cây sa kê này cho thu hoạch khoảng 200 trái, mỗi trái có kích thước to hơn đầu gối người lớn, nặng hơn 1kg, giá bán ngoài chợ, có thời điểm lên đến 12.000 đồng/kg.
“Thỉnh thoảng có thương lái đến nhà thu mua trái chín nhưng gia đình tôi không bán mà để dành trái tặng cho bà con trong xóm. Những trái này đã có người dặn xin, vài ngày nữa trái chín, bà con sẽ đến hái”, ông Cường cho hay.
Ông Nên, ngụ thị xã Hoà Thành, làm nghề thợ điện kể, ông thường đến quán này uống cà phê sáng. Xung quanh gốc sa kê có giăng một số chiếc võng để phục vụ cho những người có nhu cầu ngả lưng, nghỉ mệt. Vì vậy, buổi trưa, ông Nên cũng thích quay lại quán cà phê này để chợp mắt, lấy lại sức sau một buổi lao động.
Không chỉ quán cà phê của ông Cường có cây ăn trái, cách đó vài chục mét, một gia đình khác trồng cây xoài khá to trước sân. Cây đang cho hàng trăm trái lủng lẳng trên cành. Giữa lúc nắng nóng, những trái xoài xanh mướt vô tình tạo cảm giác dễ chịu cho những người tham gia giao thông trên đường.
Thành phố "xanh"
Trên địa bàn thành phố Tây Ninh cũng có nhiều loại cây ăn trái, trong đó có một số cây đã trở thành địa danh quen thuộc đối với nhiều người. Chỉ tính riêng loài me, trên dốc đường Tua Hai (phường 1) có cây me cổ thụ, ước tính đã hơn 100 tuổi. Cây me này đã trở thành địa danh dốc Cây Me.
Năm ngoái, "cụ me" bị ngã sau một cơn mưa to, gió lớn. Đơn vị chức năng đã cắt đọt, cắt cành cho gọn và trồng lại. Qua thời gian tận tình chăm sóc của những nghệ nhân trong nghề hoa kiểng, đến nay, cây me đã đâm chồi nẩy lộc trở lại.
Không chỉ riêng ở con dốc này có cây me mà nhiều nơi khác trên địa bàn Thành phố còn nhiều cây me cổ thụ khác đang tươi tốt. Phía sau căn nhà cổ gần 130 tuổi của ông Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên (khu phố 2, phường 1) có một cây me cổ thụ không thua kém cây me trên dốc đường Tua Hai.
Anh Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ đời thứ 5 của ông Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên cho biết, gia đình thường xuyên mé cành, mé nhánh cho cây me mỗi khi mùa mưa đến. Nhờ vậy đến nay, "cụ me" vẫn đứng vững trước mọi cơn giông to, gió lớn. Từ dốc Cây Me ngược về hướng huyện Tân Biên vài trăm mét cũng có cây me khá to, được trồng ven đường Tua Hai.
Nhiều cây me khác đã được người dân địa phương tận dụng bóng mát để mở quán bán thức ăn nước uống, như quán cơm Cây Me (đường Lê Lợi, phường 3), tiệm cà phê Cây Me (đường 30.4, phường 3).
Ngoài ra, ven các đường giao thông trong nội ô thành phố Tây Ninh có một số loại cây được người dân trồng và để lại nhiều ấn tượng khó quên. Trên đường Nguyễn Thái Học, phường 3, có một loại cây cho trái rất đẹp, lạ mắt được chủ nhà gọi tên là cây hồng nhung.
Trước đây, khi đến tìm hiểu về loại cây này, một người đàn ông trong gia đình kể: “Căn nhà này được xây từ năm 1937. Khi xây dựng căn nhà cũng là lúc cha mẹ vợ tôi trồng các cây này để tạo bóng mát cho sân”. Ban đầu, cha mẹ vợ của ông trồng ba cây hồng nhung, thành một hàng thẳng. Những năm gần đây, cây lớn, cành lá dày quá, nên chủ nhà cưa bớt một cây ở giữa.
Hai cây còn lại, mỗi cây cao khoảng 15m, bề hoành thân cây khoảng 1m, thân cây suông thẳng, tán rộng, lá to. Cành lá rậm rạp đến nỗi ánh nắng không lọt được xuống mặt đất. Trên cành có nhiều trái hình tròn màu cam, trông rất đẹp mắt. Mỗi năm, cây ra trái vào mùa hè, bên ngoài trái được bao phủ một lớp lông mịn như quả bóng tennis màu nâu.
Trái này có hình dáng, màu sắc đẹp, hương thơm nhẹ, vỏ dày, rất phù hợp cho việc trưng bày, cúng kiếng. Rất tiếc, thời gian gần đây, hai cây hồng nhung đã bị đốn hạ để xây cất căn nhà mới, khang trang, rộng đẹp hơn.
Rảo quanh một số tuyến đường khác, ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp một số loài cây ăn trái khác. Khi thì chúng đang sum suê cành lá, lúc thì đung đưa những chùm quả đẹp. Hầu hết những cây này đã được chủ nhân lấy tên đặt cho cơ sở kinh doanh của gia đình như quán ăn gia đình Cây Sung (đường Yết Kiêu, phường 2), quán ăn gia đình Cây Xoài (phường IV), quán nhậu Cây Xoài, quán cà phê Cây Vú Sữa (phường Ninh Thạnh), quán cà phê, khách sạn Vườn Cau (phường IV)…
Những cây ăn trái trong lòng phố thị này đã tạo cho bộ mặt thành thị của tỉnh thêm đa dạng, phong phú về cây đường phố, tạo bóng mát và góp phần đáng kể vào hướng phát triển thành phố Tây Ninh xanh, thân thiện môi trường, thành phố đáng sống.
Đại Dương
Nguồn: https://baotayninh.vn/nhieu-cay-an-trai-giua-thanh-thi-a188357.html
Bình luận (0)