Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh: L.Giang
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng.
-Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sắc lệnh thuế đối ứng mà chính quyền Mỹ vừa ban hành, trong đó áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam?
-Căn cứ Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp knh tế quốc tế (IEEPA), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại, áp dụng từ ngày 5-4.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng áp dụng các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với 50 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ (trong đó có Việt Nam) từ ngày 9-4.
Đáng chú ý, các quốc gia mà Hoa Kỳ cho là gây mất cân bằng thương mại, áp các mức thuế cao gồm Trung Quốc 34%, EU 20%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Việt Nam 46%... Mức thuế áp với một số nước ASEAN khác như Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.
Theo đó, xuất phát từ cách tính giản lược của Cơ quan đại diện thương mại (USTR) đã công bố chính thức trên cổng điện tử, thuế đối ứng bằng thâm hụt thương mại song phương chia cho tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó.
Bản chất của công thức này là nhằm mục tiêu dẫn đến cân bằng thương mại, đưa sản xuất trở về trong nước và xây dựng Hoa Kỳ “an toàn hơn, hùng mạnh hơn và thịnh vượng hơn”. Theo nhìn nhận của chính quyền Hoa Kỳ, công thức trên là công bằng, không phân biệt đối xử và minh bạch hiệu quả do bất cứ ai cũng có thể tính ra và cập nhật theo dõi theo thời gian thực.
Tuyên bố ngày 2-4 của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick cho rằng, việc áp thuế đối ứng sẽ thúc đẩy các quốc gia xem xét lại chính sách thương mại và mở rộng hoặc cấp quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của Mỹ.
Ông Howard Lutnick cho hay, đây là sự sắp xếp lại thương mại công bằng và khẳng định nước Mỹ đang giải quyết các rào cản thương mại phi thuế quan, mở ra triển vọng đàm phán với các nước vào thời điểm thích hợp.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Ảnh: L.Giang
-Vậy những mặt hàng nào của Việt Nam không phải chịu thuế đối ứng?
-Theo Sắc lệnh, một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế đối ứng bao gồm: Các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép, nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232 (thuế 25% trước đó); các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Phụ lục II cũng liệt kê các nhóm ngành hàng không phải chịu đối ứng, như nhựa và các sản phẩm nhựa, hoá chất, gỗ và các mặt hàng bằng gỗ, đồng và các sản phẩm đồng, thiếc, máy điện và thiết bị điện.
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nghiên cứu chi tiết phụ lục và nội dung liên quan để nắm cụ thể.
Đáng chú ý, các mặt hàng mà Việt Nam chứng minh được rằng có nguồn gốc nguyên liệu hoặc các yếu tố khác từ Mỹ trên 20%, thì chỉ đánh thuế đối ứng 46% lên phần giá trị non-US của hàng hoá, tức là khuyến khích mua nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Hoa Kỳ.
- Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ có đề xuất hay giải pháp nào nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này?
-Hiện các đối tác Hoa Kỳ như Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC), Hiệp hội Dệt may và giầy dép Hoa Kỳ (AAFA), Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giầy dép tại Mỹ (FDRA) cho biết, doanh nghiệp thành viên cam kết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam nhưng sẽ quan sát chặt chẽ động thái chính sách.
Do đó thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thoả thuận song phương với Hoa Kỳ. Tiếp tục cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, qua đó truyền tải thông điệp tích cực, minh chứng cho việc Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hoà và cùng có lợi.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thông qua hệ thống đối tác tăng cường vận động, tập hợp tiếng nói ủng hộ Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để tăng cường nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh và phản ứng kịp thời; tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hoa Kỳ liên quan Đạo luật UFLPA về lao động, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu chia sẻ gánh nặng thuế đối ứng, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Trân trọng cảm ơn ông !
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhieu-mat-hang-cua-viet-nam-khong-chiu-thue-doi-ung-cua-hoa-ky-697869.html
Bình luận (0)