Phòng Giao dịch số 5 - Kho bạc Nhà nước khu vực XVIII tại huyện Châu Thành - Bến Tre.
Bộ máy mới đi vào hoạt động
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 385 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN. Theo đó, từ ngày 1-3-2025, KBNN được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo mô hình 2 cấp: KBNN tại Trung ương có 10 đơn vị, KBNN tại địa phương được tổ chức theo 20 khu vực. Trong đó, KBNN khu vực được tổ chức các phòng tham mưu, giúp việc và các phòng giao dịch.
KBNN khu vực XVIII gồm các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng; trụ sở chính được đặt tại tỉnh Trà Vinh. Cơ cấu tổ chức KBNN khu vực XVIII gồm 8 phòng nghiệp vụ và 13 phòng giao dịch, trong đó Trà Vinh có 3 phòng giao dịch; Bến Tre và Sóc Trăng mỗi tỉnh có 5 phòng giao dịch.
Từ ngày 15-3-2025, KBNN khu vực XVIII bắt đầu hoạt động theo mô hình tổ chức bộ máy mới. Quy trình nghiệp vụ hiện tại tinh gọn, tập trung hơn; chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt... bảo đảm hoạt động thông suốt. Các khoản thu, chi của đơn vị đều được thanh toán nhanh gọn, không bị gián đoạn, nhất là với DVCTT. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho các đơn vị sử dụng NSNN cũng như các nhà thầu.
Rủi ro trong quản lý ngân sách nhà nước
Song hành với công tác tinh gọn bộ máy, Ban lãnh đạo KBNN khu vực XVIII luôn quan tâm, chỉ đạo và quán triệt tới các công chức làm công tác thanh toán, chi trả NSNN qua KBNN tăng cường học tập, nghiên cứu văn bản, chế độ để nắm vững và thực hiện đúng các quy định trong quá trình thực hiện thanh toán, chi trả NSNN; tuyên truyền, hướng dẫn rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng thực hiện tốt các hồ sơ, thủ tục thanh toán nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức tối đa những rủi ro trong khi thực hiện thanh toán, chi trả NSNN.
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng NSNN qua KBNN vẫn còn một số hạn chế, rủi ro, nhất là trong giai đoạn thực hiện tinh gọn bộ máy:
Đơn vị sử dụng NSNN thường gặp rủi ro do các văn bản quy định, hướng dẫn chế độ, chính sách… do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, kéo dài nhiều năm, hiệu lực thi hành các điều, khoản được thay đổi, bổ sung, chuyển tiếp có nội dung liên quan đến nhiều văn bản khác nhau, chồng chéo hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng; từ đó làm cho mỗi cá nhân, mỗi đơn vị sử dụng NSNN có một cách hiểu khác nhau, dẫn đến lúng túng khi thực hiện; hoặc một số văn bản đã được bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về cơ chế, định mức, chế độ… nhưng các đơn vị sử dụng NSNN chưa cập nhật kịp thời, liên tục.
Đơn vị sử dụng NSNN chưa thực hiện nghiêm việc quản lý chứng thư số, chữ ký số theo đúng Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27-9-2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Giao địch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 48/2024/NĐ-CP ngày 9-5-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24-12-2018 của Chính phủ quy định giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Cụ thể, chủ tài khoản vì lý do bận công việc, không có thời gian nhất là trong giai đoạn thực hiện tinh gọn bộ máy hiện nay, hoặc không quen thao tác sử dụng máy vi tính nên giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình được cấp, thông tin về chứng thư số, tài khoản đăng nhập (mã đăng nhập và mật khẩu) cho Kế toán trưởng ký hộ giao dịch thanh toán trong hoạt động tài chính.
Về nguyên tắc, KBNN không chịu trách nhiệm đối với việc quản lý chứng thư số, chữ ký số của đơn vị sử dụng NSNN; KBNN chỉ kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu đảm bảo “việc ký số trên các chứng từ chuyển tiền phải đúng họ tên, chức danh các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đã thực hiện đăng ký với KBNN” (quy định tại Thông tư số 17/2024/TT-BTC).
Tuy nhiên, việc Chủ tài khoản giao toàn quyền quyết định cho Kế toán trưởng trong hoạt động tài chính giao dịch với KBNN sẽ rất dễ xảy ra rủi ro gây thất thoát NSNN.
Ngoài ra, còn xảy ra trường hợp 1 nội dung thanh toán nhưng đơn vị sử dụng NSNN gửi hồ sơ đề nghị thanh toán nhiều lần vào các ngày khác nhau. Theo phản hồi của các đơn vị sử dụng NSNN thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến số liệu khi gửi đến KBNN thể hiện việc thanh toán trùng 2, 3 lần, thậm chí nhiều lần trong năm, có thể kể đến như: Việc chia đều chi phí 1 hóa đơn cho một vài nhiệm vụ chi nên thanh toán nhiều hồ sơ, nhiều lần đối với 1 hóa đơn; do tên, tài khoản đơn vị nhận tiền không đúng, ngân hàng hoàn trả và đơn vị sử dụng NSNN thanh toán lại…
Tuy nhiên, qua giám sát từ xa và kiểm tra nội bộ, kết quả vẫn còn tồn tại trường hợp đơn vị sử dụng NSNN gửi thanh toán trùng nhiều lần: Cùng 1 khoản chi, cùng 1 hóa đơn, chứng từ, nhưng đơn vị sử dụng NSNN gửi hồ sơ đề nghị KBNN thanh toán nhiều lần, vào các thời điểm cách xa nhau. KBNN đã yêu cầu đơn vị sử dụng NSNN thu hồi nộp giảm chi hoặc nộp NSNN ngay khi phát hiện.
Mặc dù hệ thống KBNN tại tỉnh Bến Tre đã thông tin kịp thời đến thủ trưởng các đơn vị sử dụng NSNN biết tình trạng nêu trên để kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ chứng từ trước khi gửi KBNN thanh toán bằng “Công văn về việc cảnh báo rủi ro thanh toán trùng hóa đơn, chứng từ” theo đúng yêu cầu tại Công văn số 5105/KBNN-TTKT ngày 8-9-2023 và Công văn số 6521/KBNN-KSC ngày 13-11-2024 của KBNN; các đơn vị sử dụng NSNN cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, đối chiếu, hoàn thiện, điều chỉnh và thực hiện nộp trả NSNN nhưng nguy cơ rủi ro, thất thoát NSNN vẫn tiềm ẩn rất cao nhất là trong giai đoạn có nhiều thay đổi, biến động như hiện nay.
Do vậy, việc tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, có những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, chi tiêu NSNN, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi, thanh toán các khoản chi NSNN, phòng ngừa rủi ro, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN... không chỉ là nhiệm vụ, mục tiêu của riêng hệ thống KBNN mà còn của các đơn vị sử dụng NSNN.
Phòng ngừa rủi ro trong quản lý ngân sách nhà nước
Thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra NSNN luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh việc hạch toán chứng từ khống, cố tình chi trùng nhiều lần. Công tác kiểm soát chi của hệ thống KBNN tại địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây đã phát huy hiệu quả, nhiều khoản chi của đơn vị sử dụng NSNN bị từ chối thanh toán do thanh toán vượt dự toán được duyệt, sai tiêu chuẩn định mức, không đúng mục lục NSNN, chứng từ không hợp lệ, thiếu hồ sơ chứng từ… đã hạn chế rất nhiều sai sót..
Để tiếp tục phát huy hiệu qua công tác quản lý tài chính NSNN, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tiền và tài sản Nhà nước, hạn chế rủi ro, khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý để cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, quy định mới của Nhà nước, trong giao dịch với KBNN cho Chủ tài khoản và Kế toán trưởng đơn vị sử dụng NSNN.
Thủ trưởng đơn vị (chủ tài khoản) thường xuyên quan tâm những chế độ, tiêu chuẩn, định mức cơ bản trong sử dụng, chi tiêu NSNN; có biện pháp theo dõi để biết được chứng từ đã gửi KBNN đề nghị thanh toán rồi, kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ, chứng từ trước khi gửi KBNN; trường hợp thanh toán lần 1 có sai sót thông tin người nhận tiền thì phải nhận được thông báo từ chối hoặc hoàn trả tiền về tài khoản có lý do cụ thể thì mới ký duyệt thanh toán lại lần 2; quan tâm đến công tác đối số liệu với KBNN; để tránh việc thanh toán trùng nhiều lần.
Tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN tham gia DVCTT của KBNN phải thực hiện nghiêm quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24-12-2018 của Chính phủ.
Chủ tài khoản cần phải chịu trách nhiệm quản lý, giữ bí mật phương tiện, thông tin phục vụ việc ký số, tuyệt đối không giao chữ ký số và thông tin chữ ký số cho người khác ký hộ; thực hiện thông báo ngay cho chủ quản hệ thống thông tin khi bị mất phương tiện, lộ thông tin phục vụ việc ký số; phòng ngừa rủi ro thất thoát NSNN.
Bài, ảnh: Anh Tuấn - Thoại Vi
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/tang-cuong-phong-ngua-rui-ro-trong-quan-ly-ngan-sach-nha-nuoc-05042025-a144722.html
Bình luận (0)