Chương trình hòa nhạc của Hiệp hội Âm nhạc cổ điển New York (NYCMS)… đã góp phần làm phong phú thêm việc giao lưu nghệ thuật giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: GIA HUY |
Đà Nẵng sở hữu hệ thống cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn khá đồng bộ, từ các cơ sở được trang bị đầy đủ tiện nghị, thiết bị phục vụ biểu diễn nghệ thuật đến các không gian sân khấu ngoài trời. Đây là nền tảng quan trọng giúp đa dạng hóa loại hình biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân và du khách.
Đặc biệt, chính quyền thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, khuyến khích xã hội hóa, đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; nhờ đó các văn nghệ sĩ có điều kiện giao lưu với văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế nhằm nâng cao kỹ nghệ và chất lượng sáng tác, biểu diễn…
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng cho biết, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi, đa dạng, mang đậm sắc màu hữu nghị với quy mô và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân thành phố và bạn bè quốc tế.
Tiêu biểu như Lễ hội Tết cổ truyền Bunpimay Lào tổ chức tháng 4 hằng năm với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc Việt Nam - Lào, tạo điều kiện cho các cán bộ, người dân, lưu học sinh Lào tại Đà Nẵng đón Tết cổ truyền Bunpimay ấm áp, vui tươi, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng của nhóm Ngũ tấu đến từ dàn nhạc Giao hưởng Nhật Bản góp phần tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức giao lưu âm nhạc với các đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, khi các đoàn nghệ thuật quốc tế đến Đà Nẵng biểu diễn, họ không chỉ đem đến những tiết mục đặc sắc mà còn mang theo cả sự quan tâm, thiện cảm của cộng đồng quốc tế dành cho thành phố. Đà Nẵng ngày càng được biết đến như một điểm đến sự kiện, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ khu vực và quốc tế. Điều này có tác động tích cực đến phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Các chương trình giao lưu nghệ thuật với các nước còn là nền tảng để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, qua đó góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, phát triển bền vững cho thành phố. Mỗi chương trình giao lưu nghệ thuật không chỉ là sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn là nhịp cầu nối kết tình hữu nghị, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, thúc đẩy hội nhập và phát triển toàn diện cho thành phố trong thời kỳ mới.
Để có nhiều chương trình chất lượng và đặc sắc hơn, thành phố cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, khuyến khích xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị biểu diễn; xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ nghệ sĩ trẻ và nghệ nhân truyền thống.
“Thành phố cũng nên đầu tư hơn nữa vào việc xây dựng các chương trình nghệ thuật mang bản sắc riêng của Đà Nẵng, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới để thu hút khán giả trẻ. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa nghệ thuật với giáo dục và du lịch, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, nâng cao vị thế nghệ thuật của Đà Nẵng trên bản đồ khu vực và thế giới.
Tôi tin rằng, với sự quyết tâm và đồng lòng, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sự kiện” của khu vực miền Trung và cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Bình đề xuất.
GIA HUY
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202504/nhip-cau-ket-noi-van-hoa-4005944/
Bình luận (0)