Họa sĩ minh họa Lê Rin (phải) chia sẻ về hành trình vẽ di sản dọc đất nước trong 10 năm của mình - Ảnh: BÍCH NGÂN
Kết quả là cuốn sách tranh minh họa Dọc miền di sản ra đời, với 112 bức tái hiện hành trình khám phá di sản văn hóa xuyên Việt của họa sĩ minh họa Lê Rin.
Cùng với đó là triển lãm Dọc miền di sản đang diễn ra tại Hồ Văn, thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (kéo dài đến ngày 30-5).
Triển lãm thu hút người trẻ lẫn người có tuổi
10 năm và 2.000 bức vẽ di sản trên cả nước
Triển lãm dẫn người xem theo dấu chân du ngoạn của chàng họa sĩ qua từng miền di sản văn hóa Việt.
Tại đây, mỗi bức tranh là cánh cửa dẫn lối đến các miền di sản phong phú, từ miền núi đá Hà Giang, Sa Pa đến vùng biển đảo Lý Sơn, Ninh Thuận, qua miền Tây Nam Bộ…
Những tác phẩm màu nước trong triển lãm được chắt lọc từ khoảng 2.000 bức vẽ trong suốt hơn 10 năm rong ruổi từ Bắc vào Nam của chàng họa sĩ sinh năm 1990.
Lê Rin cho biết anh thích khám phá văn hóa, đi phượt và vẽ tranh màu nước, đi tới đâu anh cũng chụp hình và ghi chép thông tin rất tỉ mỉ.
Khi trở về, anh chọn lọc và hệ thống hóa tư liệu theo từng địa phương mà mình ấn tượng, từ kiến trúc, ẩm thực, làng nghề đến cộng đồng dân tộc, trước khi bắt tay vào phác thảo.
Từ hình ảnh người bà là nghệ nhân cuối cùng ở Ninh Thuận, ngày ngày ngồi đan võng gai, Lê Rin đã đi vẽ di sản dọc đất nước
Từ dáng bà khom lưng ngồi đan võng
Trong trưng bày lần này, "miền di sản" mà họa sĩ tâm đắc nhất là các làng nghề truyền thống.
Bởi "tuổi thơ tôi in sâu hình ảnh bà nội miệt mài ngồi đan võng gai. Bà cũng là một những nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề ở Ninh Thuận. Chứng kiến sự mai một của các làng nghề truyền thống, tôi trăn trở, muốn vẽ lại nét đẹp ấy, như một cách lưu giữ di sản cho thế hệ sau".
Và một trong những nơi để lại ấn tượng sâu đậm với anh là quần thể kiến trúc lăng tẩm ở Huế, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo tại lăng vua Khải Định.
Là người từng đi gần hết 63 tỉnh thành, ông Nguyễn Mộng Trọng (54 tuổi) cho biết: "Nhìn tranh, tôi như được trở lại những nơi mình từng qua. Nhất là cảnh Hà Giang có đèo Mã Pì Lèng hay sông Nho Quế, họa sĩ vẽ rất thật, có hồn, khiến tôi nhớ lại cảm giác lần đầu được chiêm ngưỡng, choáng ngợp mà cũng rất thân quen."
Trước đó, họa sĩ Lê Rin từng xuất bản bốn đầu sách tranh minh họa: Việt Nam miền ngon (2016), Việt Nam dọc miền du ký tập 1 (2020) và tập 2 (2022), Tết ba miền (2025).
Ngắm một số tác phẩm của Lê Rin tại triển lãm:
Chùa Khléang ở Sóc Trăng
Nghề gấp giấy ở Huế
Nghề dệt vải
Điện Thái Hòa ở Huế
Món cơm cháy thịt dê ở Ninh Bình
BÍCH NGÂN - MAI CHI
Nguồn: https://tuoitre.vn/nho-ba-noi-miet-mai-ngoi-dan-vong-chang-trai-9x-ve-2-000-buc-tranh-ve-di-san-khap-ca-nuoc-20250410223155735.htm
Bình luận (0)