25 năm “Ngày xửa ngày xưa”
Hè 2025, Nhà hát Idecaf giới thiệu chương trình Ngày xửa ngày xưa 36 với câu chuyện Hậu duệ Thần Mặt trời (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) với sự tham gia biểu diễn của 70 nghệ sĩ, diễn viên: NSƯT Bạch Long, NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Đại Nghĩa, nghệ sĩ Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Đình Toàn, Hồng Ánh, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Tuyền Mập...
Thưởng thức vở kịch, khán giả sẽ cảm nhận được nét đẹp văn hóa và sự hiện diện đặc biệt của các vị thần trong đời sống người Hàn Quốc. Đặc biệt, câu chuyện kịch khéo léo khai thác chiều sâu tình cảm gia đình, tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Bên cạnh đó, tiêu chí cơ bản của các chương trình Ngày xửa ngày xưa vẫn được giữ nguyên, hướng đến chân thiện mỹ, ý nghĩa của luật nhân quả: kẻ xấu sẽ bị tiêu diệt, loại trừ, người tốt được sống hạnh phúc...
Chương trình được đầu tư chỉn chu, chỉ riêng phần trang phục đã có hơn 100 bộ trang phục được may mới hoàn toàn. Đơn vị sản xuất chương trình cũng in sách ảnh (theo tiêu chuẩn sách ảnh của hãng Disney, khổ 24x33cm) để tặng khán giả. Giám đốc sản xuất - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Mỗi dịp hè về, chúng tôi cố gắng thực hiện một chương trình nghệ thuật tử tế, chu đáo, hoành tráng, đậm sắc màu thần thoại... dành cho thiếu nhi. Việc làm này cũng để xác định kịch nói không chỉ trình diễn và tồn tại ở các sân khấu nhỏ, mà có thể đầu tư biểu diễn với quy mô lớn. Hè năm nay, có nhiều sân khấu tại TPHCM cùng đầu tư kịch nói thiếu nhi, đó là sự cố gắng rất lớn của những người làm nghề; dù có sự cạnh tranh nhưng đó lại là tín hiệu tích cực, rất đáng vui”.
Nói về đời sống sân khấu nghệ thuật cho thiếu nhi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng chia sẻ nhiều tâm tư. Theo ông, hoạt động văn hóa nghệ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn có tác động rất lớn đến sự phát triển tư duy, trí tuệ, tinh thần cho trẻ em. Ở nhiều quốc gia khu vực và thế giới đã có chính sách cụ thể về việc đầu tư văn hóa nghệ thuật dành cho các lứa tuổi, như: bắt đầu từ các bé 3 tuổi học mầm non với nghệ thuật múa rối, tiếp đó là kịch thiếu nhi cho lứa tuổi cấp 1, kịch lịch sử cho độ tuổi cấp 2... “Các nghệ sĩ, người làm nghệ thuật trong nước nói chung và TPHCM nói riêng đang nỗ lực để đưa được ngày càng nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa đến với các em thiếu nhi, nhưng sức của các đơn vị, cá nhân có hạn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, gia đình và nhà trường chung sức tạo điều kiện cho các em đến với nghệ thuật... thì sức mạnh tổng thể từ hoạt động dưỡng nuôi tâm hồn trẻ thơ bằng nghệ thuật sân khấu sẽ được phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn nhiều”, Giám đốc sản xuất - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Sân khấu nhiều sắc màu
Bên cạnh Nhà hát Idecaf, một số sân khấu kịch tại TPHCM cũng tưng bừng ra mắt các vở mới, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả nhí.
Dự án sân khấu thiếu nhi Truyện thần tiên của nghệ sĩ Minh Nhí hè này giới thiệu vở kịch Công chúa Mũi To và Vương quốc Meo Meo (tác giả: Võ Tín, đạo diễn: Chánh Trực). Vở được dàn dựng với màu sắc vui nhộn, tươi tắn, gửi gắm thông điệp về thói quen xấu, đó là nói dối. Dù được đầu tư quy mô với hơn 60 diễn viên, phục trang, cảnh trí, âm nhạc đều được làm mới nhưng theo nghệ sĩ Minh Nhí, giá vé vẫn giữ như mọi năm để khán giả nhỏ tuổi dễ tiếp cận với tác phẩm.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng đang hoàn tất khâu chỉnh lý kịch bản cuối cùng để chuẩn bị lên sàn tập vở kịch thiếu nhi mới trong dịp hè này. Theo NSND Mỹ Uyên, hiện vở vẫn chưa gút tên nhưng các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc công diễn vào giữa tháng 6 tới. “Đây sẽ là vở ca nhạc kịch có cả trình diễn ảo thuật và xiếc, đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả, tăng cường sự tương tác, giúp các em dạn dĩ, tự tin hơn trong giao tiếp, thỏa sức vui chơi, giải trí với không gian sân khấu kịch thiếu nhi”, NSND Mỹ Uyên tiết lộ.
Tuy không ra mắt vở mới chào hè nhưng Sân khấu Ban Mai (ở Nhà Thiếu nhi TPHCM, số 36, đường Lê Quý Đôn, quận 3) cũng có nhiều kế hoạch phục vụ. Đạo diễn Bảo Chu, Giám đốc Sân khấu Ban Mai, chia sẻ: “Hè này, sân khấu vẫn sáng đèn đều đặn 5 kịch bản đã ra mắt gồm: Colora - Xứ sở rực rỡ, Penny - Ô mê ly, Rango - Hành trình đầu tiên, Tết ơi tết à, Trung thu.
Sân khấu Quốc Thảo (tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận) cho biết, đơn vị đã hoàn thành vở kịch thiếu nhi Na Tra đại náo long cung để phục vụ thiếu nhi dịp hè này. Vở sẽ sáng đèn suất diễn đầu tiên đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Những vở diễn sân khấu thiếu nhi đa sắc màu liên tục sáng đèn phục vụ khán giả trong hè 2025 là tín hiệu đáng khích lệ, đồng thời thể hiện sự nỗ lực không ngừng của những người làm nghệ thuật thành phố, nhằm mang đến cho các em thiếu nhi những giờ phút giải trí bổ ích, giúp các em bồi đắp tư duy thẩm mỹ, cảm nhận nhiều câu chuyện giáo dục giá trị từ các vở diễn hay.
Hè 2025, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TPHCM (HBSO) sẽ trình diễn vở vũ kịch Cô bé Lọ Lem - Cinderella, lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Pháp Charles Perrault, âm nhạc của nhà soạn nhạc Nga vĩ đại Sergei Prokofiev, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng. Nhà hát HBSO sẽ trình diễn các suất vào ngày 31-5 và 1-6, tại Nhà hát thành phố. Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Hồ Phi Điệp, nghệ sĩ Đỗ Hoàng Khang Ninh, Lê Đức Anh, Đặng Minh Hiền, Phạm Thế Phương, Nguyễn Thu Trang, Thạch Hiểu Lăng, La Mẫn Nhi, Sùng A Lùng...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhon-nhip-san-khau-thieu-nhi-dip-he-post796670.html
Bình luận (0)