
Lại có những người, những cảnh, những chuyện tưởng đã chìm vào dĩ vãng xa xôi, tan loãng như mây gió giữa trời hay mờ khuất trong lớp bụi không gian, thời gian... thực vẫn sống hoài trong tâm tưởng. Dường như ký ức đã phân loại và đóng dấu “bền lâu” lên những hình ảnh, kỷ niệm này, để chúng dẫu không mang theo lời thề sông cạn đá mòn vẫn ở sâu trong trái tim mỗi người, đằm thắm, thân thương, gần gũi như hơi thở.
Trong những tản mạn nhớ và quên, giữa mênh mông phiêu bạt của cõi đời, hình ảnh ông bà và mẹ tôi-những người đã đi xa mãi mãi-vẫn luôn hiện hữu và trở về sống động, khắc khoải trong ký ức của tôi. Khi tôi chào đời, ông bà nội không còn nữa nhưng may mắn còn ông bà ngoại. Tôi đã được sống trong niềm hạnh phúc có ông bà, được ông bà yêu thương, che chở suốt thời thơ dại.
Nhà chúng tôi cách nhà ông bà không xa nhưng thuở ấy không có phương tiện đi lại. Mỗi lần về quê ngoại, mẹ con tôi chỉ dắt nhau đi bộ. Với cái thúng con cắp tay, nón lá trắng đội đầu, chiếc áo chiết eo với đường may tay thật khéo, mẹ tôi đẹp hệt như những người phụ nữ trong văn chương: hiền dịu, hiếu thảo với mẹ cha, chu toàn đảm đang với gia đình. Dẫu lấy chồng xa, mỗi tháng đôi lần, mẹ lại lặn lội về thăm cha mẹ.
Anh em tôi đã líu ríu theo chân mẹ về thăm ông bà từ thuở lên 3 lên 5, quen đến mức thuộc từng con đường, từng sự thay đổi cảnh sắc đồng ruộng mỗi năm, mỗi mùa. Những mùa tháng Giêng, tháng 2, mạ già ruộng ngấu, nước xăm xắp bờ; những ngày tháng 3 lúa thì con gái lên xanh ngăn ngắt; những ngày tháng 5 ruộng khô nước cạn, lúa chín vàng đồng; những ngày tháng 8 chớp bể mưa nguồn đồng quê trắng nước; những ngày tháng Chạp mưa phùn gió rét, giá lạnh căm căm, hiu hắt cả bờ đê.
Tôi đâu biết sự thân quen mà có lúc tôi coi như nhàm chán ấy là khởi nguồn của một tình yêu máu thịt với quê hương. Chỉ khi xa rồi mới nhận ra, những tháng ngày thơ ấu sống trên quê mẹ đã thành kỷ niệm yêu thương, thành mạch nguồn nuôi dưỡng tình cảm sâu đậm với ông bà, cha mẹ và với chính mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.
Thuở ấy, mỗi lần mấy mẹ con về thăm ông bà, gần đến ngõ rẽ vào nhà, tôi thường nhanh chân chạy trước, chưa vào đến sân đã reo lên: “Ông ơi! Bà ơi!”. Thường thì ông bà sẽ hiện ra như ông bụt, bà tiên nhưng không phải trong sương khói cổ tích, mà từ phía nhà bếp hoặc phía chuồng heo, chuồng gà. Ông bà tươi cười, hạnh phúc dang tay đón chúng tôi. Đứa ôm chân, đứa níu tay, đứa được ông nhấc bổng lên cao cười răng rắc.
Lúc ấy, mẹ tôi cũng vào đến nơi, thả cái thúng trên tay xuống. Trong cái thúng ấy thường đựng nải chuối chín, nhánh cau xanh, có khi là gói trầu thuốc hoặc chục cá trích đùm kỹ trong lá chuối khô. Bà sẽ trách yêu mẹ “mua làm gì lắm thứ”, rồi lấy quạt mo quạt cho từng đứa, cười âu yếm trìu mến.
Mẹ cũng lấy nón quạt cho bớt mồ hôi rồi thong thả kể cho ông bà nghe chuyện gia đình, chuyện con cái học hành; hỏi han ông bà rằng các cậu có gửi thư về không? khi nào gặt thửa ruộng ngoài khe? còn đám đỗ ngoài đầu ngõ năm nay sai trái, để hôm nào chín con với cháu vô hái giúp…
Ông vừa nghe chuyện, đáp lời bà và mẹ, vừa cho cả 3 anh em tôi lên võng ngồi. Chiếc võng tre đưa càng xa, chúng tôi càng thích chí cười ran. Cảm giác êm đềm dịu ngọt ấy không chỉ một lần mà suốt hàng chục năm, cứ tươi mới mãi trong lòng tôi.
Lâu lâu, không thấy chúng tôi về, ông bà lại ra thăm con cháu. Mỗi khi ông bà đến, anh em tôi ùa ra ríu rít, tranh nhau ôm, cả nhà rộn ràng mừng vui. Bố đun nước pha trà, sai anh tôi ra đầu quán mua rượu; mẹ bổ cau têm trầu, nấu cơm làm thịt gà. Ở thời bao cấp, ngày hai bữa cơm độn ngô khoai nhưng bữa ăn tiếp đãi ông bà luôn chu đáo đặc biệt như vậy.
Hồi đó, tôi cứ nghĩ ông bà là khách quý của gia đình. Lớn hơn một chút thì tôi hiểu, bố mẹ tôi làm thế không phải khách khí mà vì tình cảm quý trọng, hiếu kính dành cho ông bà. Bởi, người ta không thể khách khí với người thân suốt mấy chục năm, thậm chí cả đời. Đó là sự thành tâm đối đãi xuất phát từ tình cảm yêu thương, kính trọng dành cho bậc sinh thành.
Thỉnh thoảng, bố mẹ đi công tác xa, ông bà lại đến ở, chăm sóc chúng tôi. Bà quét tước, thu dọn nhà cửa, sắp đặt đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Ông hỏi han từng đứa cháu học hành ra sao, thuộc bài thơ nào, truyện gì hay kể ông nghe. Rồi ông ra vườn, ngắm hàng chè mới đúc, nhìn luống cải mới gieo, cắm choái cho dây bầu, dây bí leo giàn, ngó xem đàn ong mật làm tổ được mấy tầng, rồi chơi đùa cùng các cháu.
Mấy chục năm trôi qua, ông bà tôi đã thành người thiên cổ. Mẹ tôi cũng đã theo mây trắng về với ông bà. Ở thế giới vãng sanh, hẳn họ đã được đoàn tụ bên nhau và đang dõi theo chúng tôi như họ đã từng làm trong suốt cả cuộc đời mình.
Còn chúng tôi, từ dòng mạch yêu thương vô hạn của ông bà, cha mẹ, từ những ký ức ngọt lành đóng dấu “bền lâu”, lại tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng hiếu thảo ở các con, các cháu mình. Đời nối đời, thế hệ này tiếp thế hệ khác, như dòng sông chảy mãi...
Nguồn: https://baogialai.com.vn/nhu-dong-song-chay-mai-post322187.html
Bình luận (0)