Trong không gian nên thơ của hồ Trúc Bạch, hành trình bắt đầu tại Thủy Trung Tiên Từ – ngôi đền linh thiêng nằm trên hòn đảo nhỏ, được mệnh danh là “đất lành chim đậu”, hòn đảo duy nhất giữa lòng Hà Nội với hàng trăm con cò, diệc sinh sống. Tại đây, Đoàn Đại sứ quán New Zealand được giới thiệu về lịch sử vùng đất Trúc Bạch – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa – và thưởng thức nghệ thuật diễn xướng Chầu văn, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những âm thanh réo rắt, lời ca đầy nội lực đã mở ra một không gian văn hóa sâu lắng, chạm đến cảm xúc của từng vị khách quốc tế.
Trình diễn nghệ thuật Chầu văn - Di sản văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận
Ngay sau đó, Tuyến tàu điện số 6 chính thức “chuyển bánh”, đưa các đại biểu đến với một Hà Nội thu nhỏ, nơi những di sản văn hóa – ẩm thực được tái hiện sinh động trên những toa tàu điện, mang những tên gọi thân thương như: Toa Phở – Bún – Sợi, Toa Bếp – Chạn – Mâm, Toa Lúa – Thóc – Gạo. Mỗi toa tàu như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những câu chuyện tuy giản dị nhưng rất thú vị của người Hà Nội qua các thời kỳ.
Tại toa Phở – Bún – Sợi, Phở Hà Nội hiện lên không chỉ là một món ăn, mà như linh hồn của nền ẩm thực Việt Nam. Các vị khách đặc biệt được nghe kể về sự hình thành và phát triển của món ăn này, khám phá sự khác biệt của phở ở các vùng miền, và cách thưởng thức món ăn vốn được cho là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam.
Đại sứ, Phó Đại sứ New Zealand và anh Nguyễn Dân Huy - Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch, người sáng lập dự án Tuyến tàu điện số 6 - bên "Bát phở khổng lồ"
Tại toa Bao cấp Bếp – Chạn – Mâm, không gian Hà Nội thời bao cấp hiện lên rõ nét qua từng vật dụng như: chạn gỗ, mâm cơm không thịt, tem phiếu... tái hiện sống động giúp du khách hình dung được một giai đoạn đầy khó khăn nhưng ấm áp tình người và cũng thể hiện rõ nét nhất những đức tính của người Việt Nam: cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn nỗ lực vươn lên.
Câu chuyện thú vị về bát phở trộn cơm nguội thời kỳ bao cấp
Điểm nhấn đặc biệt của hành trình là toa Lúa – Thóc – Gạo, nơi văn hóa ẩm thực Việt được lan tỏa qua trải nghiệm tương tác đầy thú vị: “cuộc thi” cuốn nem giữa Đại sứ, Phó Đại sứ với các thành viên Đại sứ quán New Zealand. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ẩm thực – Nhà báo Vĩnh Quyên, Đại sứ Caroline Beresford, Phó Đại sứ Rebecca Wood cùng các thành viên khác đã hào hứng trổ tài cuốn nem và thưởng thức thành quả trong không khí ấm cúng, thân tình.
Đoàn tham quan Toa Lúa - Thóc - Gạo
Đại sứ Caroline Beresford và các đồng nghiệp tại Đại sứ quán New Zealand đã có một trài nghiệm rất thú vị trong cuộc thi cuốn nem cùng Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy và chuyên gia ẩm thực Vĩnh Quyên
Hành trình văn hóa trên Tuyến tàu điện số 6 không chỉ mang đến trải nghiệm về ẩm thực, mà còn là một cuộc đối thoại sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, giữa Việt Nam và Thế giới. Thông qua cách kể chuyện sinh động, lồng ghép khéo léo yếu tố trải nghiệm, dự án đã chạm tới cảm xúc của người tham gia – không chỉ bằng thị giác, khứu giác hay vị giác, mà bằng những rung động chân thành trước vẻ đẹp văn hóa Việt.
Đại sứ và Phó Đại sứ New Zealand thích thú trải nghiệm văn hóa trà đá vỉa hè của người Hà Nội
Phát biểu tại điểm dừng cuối cùng, Bà Rebecca Wood - Phó Đại sứ New Zealand bày tỏ: “Việt Nam thực sự đang phát triển rất nhanh. Chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt không chỉ ở đô thị hiện đại mà còn trong cách các bạn gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống”.
Tuyến tàu điện số 6 đã kể một câu chuyện Hà Nội rất khác – không ồn ào, không vội vã, mà sâu sắc, mộc mạc, chân thành giúp cho các vị khách đặc biệt có một hành trình đầy cảm xúc và những trải nghiệm thú vị, trọn vẹn.
Vietnam.vn
Bình luận (0)