Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những đời thường của di sản

(VHQN) - Etienne Bossot, Réhahn, Dương Minh Long hay thậm chí một người xa quê như Nguyễn Lương Hiệu, xứ Quảng trong gia tài ảnh của họ, là một di sản.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam03/04/2025

z6411950080822_a02076bd823214272db7cac1bde0977d.jpg
Khung cảnh di sản được các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước săn đón.ảnh: Lê Trọng Khang

Khung cảnh ẩn giấu

Lần giở những hình ảnh cũ, lướt qua trong tôi là khung cảnh như thơ của không gian triển lãm ảnh “Cát bụi lộng lẫy” - tổ chức năm 2010 tại Hội An. Triển lãm ảnh về cảnh sắc và con người Việt Nam, trong đó chủ yếu là đời sống bình lặng ở những vùng ven Hội An, qua góc máy của nhiếp ảnh gia người Pháp Etienne Bossot.

Điều đặc biệt hơn, những bức ảnh này gây nhớ bởi tất cả chú giải đều sử dụng ca từ nhạc Trịnh Công Sơn. Một bức ảnh chụp người phụ nữ trên cánh đồng chiều, hoàng hôn hắt bóng, Etienne Bossot đặt tên là “Trên cánh đồng hòa bình” với lời dẫn của âm nhạc Trịnh: “Trên cánh đồng hòa bình này, mặt trời yên vui lên đỏ chói, đỏ trái tim người”.

Chính triển lãm này khởi mối duyên để hơn 15 năm trước, Etienne chọn sống cùng phố Hội. Sau từng ấy năm, chứng kiến những cuộc xô đẩy của thời gian lên di sản, Etienne nói: “Sau nhiều năm ghi lại hình ảnh của một khu phố cổ tấp nập, tôi lại khám phá một vẻ đẹp và tâm hồn khác của Hội An trong những năm vừa qua.

Tôi muốn được dạo quanh phố cổ Hội An và ghi lại những khoảnh khắc này bởi chúng gợi nhớ lại cho tôi về Hội An mà ngày đầu tôi đặt chân tới. Những con phố yên lặng, lác đác người tản bộ xung quanh và những kiến trúc tuyệt vời tạo nên một Hội An thật diệu kỳ”.

Bây giờ, Etienne đã quá quen với giới du lịch và nhiếp ảnh nước ngoài khi muốn khám phá Việt Nam. Từ mối duyên với Hội An, và ngay tại Hội An, anh “khởi nghiệp” với tour chụp ảnh Hội An (Hoi An photo tour).

Tiếp tục sau đó, Etienne là người sáng lập tổ chức “Pics of Asia” - chuyên cung cấp các tour chụp ảnh nhóm nhỏ, thậm chí dạy cách chụp ảnh tại các quốc gia Myanmar, Bangladesh, Iran, Sri Lanka, Ấn Độ và không thể thiếu Việt Nam.

“Chúng tôi đang sống trong giấc mơ của mình: du lịch và chụp ảnh mọi người, đồng thời giúp bạn làm điều tương tự. Du lịch cùng Pics of Asia và bạn sẽ nhận được sự hướng dẫn tận tình, chuyên nghiệp về các kỹ năng cá nhân. Chúng tôi nỗ lực hết mình để tìm ra những góc chụp mới và chúng tôi yêu thích công việc của mình” - thông điệp của Pics of Asia.

Vẻ đẹp không tuổi

Nếu nhắc chuyện những nhiếp ảnh gia ngoại quốc “duyên nợ” với xứ Quảng, không thể thiếu Réhahn. Từ năm 2011, Réhahn đã chọn Hội An làm nơi sinh sống. Trong khái niệm của người đàn ông Pháp này, di sản là con người. Con người cũng là khởi nguồn của di sản.

hoi-an-etienne-bossot-1-1536x1024.jpg
Hội An đời thường qua góc máy của Etienne Bossot.

Và đó là căn nguyên để gia tài ảnh của Réhahn đặt tại Hội An mang tên “Di sản vô giá”, với phần lớn khung hình là con người cùng đôi mắt thăm thẳm, nụ cười lành hiền. Những bức chân dung gắn liền với từng vùng đất, khiến tác phẩm của Réhahn mang dấu ấn riêng. “Di sản vô giá” với người đàn ông Pháp này là những gì diễn ra xung quanh con người, với sắc phục truyền thống, sản phẩm thủ công hay những nếp sinh hoạt mang tính lâu đời.

Nhắc Réhahn, thế giới nhớ đến “nụ cười ẩn giấu” của một người phụ nữ Hội An. Từ bức ảnh này, dự án “nụ cười ẩn giấu” do Réhahn khởi xướng với những bức ảnh chân dung được tặng lại nhân vật, lan tỏa mọi nơi. Trong hành trình của những bước chân đi khắp thế giới, Hội An trở thành một bến đỗ như quê nhà người đàn ông xứ Normandy.

Trong giới nhiếp ảnh Việt, không gian di sản của Quảng Nam, bao gồm Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm hay những vùng biên viễn phía tây, luôn là những địa chỉ đặc biệt. Họ ở đó, dành vài tháng chiêm nghiệm, hay có người chọn ở hẳn vài năm như Dương Minh Long, để tìm những khung cảnh còn ẩn sau lớp sương giăng của thời gian, hay cả đám đông.

Bằng những góc máy đặc biệt, họ giữ cho di sản những “vẻ đẹp không tuổi”.

Giải thưởng từ di sản

Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Hội An với hơn 20 năm thành lập, ghi dấu ấn mạnh mẽ với rất nhiều tác phẩm về di sản đoạt giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 2006, tay máy trẻ Huỳnh Hà giành Huy chương vàng với bức ảnh “Thăm phố cổ”.

Năm 2012, nữ nhiếp ảnh gia duy nhất ở Quảng Nam, cũng như ở Hội An, Thái Bích Thuận đã đoạt cú đúp giành Huy chương vàng và Huy chương bạc của Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực.

Ở tầm quốc tế, năm 2005, NSNA Đặng Kế Đông đoạt Huy chương bạc với bức ảnh “Duyên thầm” tại cuộc thi ảnh quốc tế VN05.

NSNA Dương Phú Tâm để lại nhiều dấu ấn với nhiều thành tích ở cuộc thi quốc tế như bức ảnh “Hội An trong ký ức” đã đoạt Huy chương đồng FIAP, Huy chương vàng tác phẩm “Tuổi thơ trên dòng sông” tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Macedonia.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhung-doi-thuong-cua-di-san-3152021.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm