Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những học sinh chung tay bảo tồn nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Thạch Thất

Với dự án “Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất bảo tồn và phát triển kỹ thuật thủ công truyền thống”, những sản phẩm gắn với đời sống văn hóa của người Mường được hồi sinh sống động. Đặc biệt, hành trình khơi dậy nghề truyền thống này lại bắt đầu từ những đôi tay non trẻ của các em học sinh, với sự đồng hành của phụ nữ ở xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam24/05/2025

Khởi nguồn từ lớp học nhỏ

Dự án Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất bảo tồn và phát triển kỹ thuật thủ công truyền thống bắt đầu khi các em học sinh trường Maya được giao nhiệm vụ: Tìm một sản phẩm văn hóa gắn liền với cộng đồng dân tộc nơi mình sinh sống, nghiên cứu và biến nó thành đề tài học tập, thực hành.

Em Ngô Thị Minh An, học sinh lớp 8, là một trong những thành viên đầu tiên của dự án, kể: "Dự án được khởi động từ năm 2022, năm mà chủ đề cho các dự án thực hành tại trường em là "Thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa địa phương". Trường em nằm ở xã Tiến Xuân, nơi người Mường chiếm tới 70% dân số. Chúng em quyết định tìm một sản phẩm vải của người Mường để học làm và thử bán ra thị trường. Trong quá trình tìm hiểu, chúng em tình cờ biết đến chiếc gối mặt huyệt - chiếc gối đóng vai trò quan trọng trong văn hóa cưới hỏi của người Mường".

Phụ nữ Mường xã Tiến Xuân hướng dẫn các em nhỏ kỹ thuật làm gối mặt huyệt

Phụ nữ Mường xã Tiến Xuân hướng dẫn các em nhỏ kỹ thuật làm gối mặt huyệt

Song, để bắt đầu một hành trình như thế không hề dễ dàng: "Chúng em tìm rất nhiều trên mạng, sách báo nhưng hầu như không có thông tin về gối mặt huyệt". May mắn sau đó, qua một bác người Mường làm việc ở trường, các em đã tìm đến những người phụ nữ Mường cao tuổi ở xã Tiến Xuân vẫn còn giữ kỹ thuật làm gối như bà Lợi, bà Miên, bà Thưởng… và được họ dạy từng đường kim mũi chỉ, chia sẻ từng câu chuyện đằng sau chiếc gối mặt huyệt.

"Các con trực tiếp làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống từ nét văn hóa của dân tộc Mường và còn có những sáng tạo sao cho sản phẩm trở nên sinh động, có tính ứng dụng nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc Mường trong đó. Tôi rất cảm động và tin tưởng dự án sẽ thành công. Tôi mong rằng dự án sẽ tiếp tục đồng hành với Hội LHPN xã Tiến Xuân để giữ gìn và phát huy văn hóa quý giá này", chị Bùi Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân - chia sẻ.

Bà Bùi Thị Thưởng (60 tuổi) kể lại: "Tôi biết làm gối mặt huyệt từ nhỏ, do mẹ tôi dạy. Nhưng bao năm rồi không còn làm nữa. Mỗi lần xã tổ chức cuộc thi ẩm thức hay văn hóa mang bản sắc dân tộc Mường, tôi mới lấy mấy cái gối cũ ra trưng bày, để cho mọi người biết rằng thôn tôi có những sản phẩm như thế". Chính vì thế, khi được chị Bùi Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân - mời tham gia đồng hành dự án cùng các em học sinh trường Maya, bà Thưởng rất vui. "Mừng quá! Tôi nghĩ nếu có một dự án như thế này thì tại sao không làm? Làm để bảo tồn bản sắc dân tộc mình, sau này có cái mà dạy các cháu", bà Thưởng bày tỏ.

Theo bà Thưởng, kỹ thuật làm gối mặt huyệt - một nét đẹp văn hóa gắn liền với đời sống người Mường, từng được trao truyền qua nhiều thế hệ - nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân không chỉ bởi sự thay đổi của phong tục cưới hỏi trong đời sống hiện đại, mà còn bởi giới trẻ rời quê lập nghiệp, kỹ thuật khó học và ít mang lại thu nhập ổn định. Tất cả đã khiến nghề thủ công này dần bị lãng quên trong cộng đồng. Giờ đây, bà thực sự bất ngờ khi các cháu học sinh còn nhỏ tuổi đã có thể làm ra những sản phẩm như vậy. "Tôi rất mong có thể đồng hành, hỗ trợ các cháu phát triển dự án, làm ra nhiều sản phẩm hơn và giới thiệu cho mọi người biết đến", bà Thưởng chia sẻ.

Từ bảo tồn kỹ thuật đến sáng tạo sản phẩm ứng dụng

Hành trình của các em học sinh và các bà, các bác không chỉ dừng lại ở việc khôi phục kỹ thuật cũ. Minh An và các bạn nhận ra rằng, nếu chỉ dừng lại ở "bảo tồn", những chiếc gối sẽ sớm chỉ là một vật trưng bày trong bảo tàng, không còn chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại. Các em đã thiết kế những sản phẩm ứng dụng mới như khay vải, hộp đựng giấy, hộp đựng trang sức… Tất cả đều dựa trên kỹ thuật may gối mặt huyệt, nhưng có thêm yếu tố tiện dụng và thẩm mỹ để phù hợp với nhu cầu hiện đại. Bên cạnh đó, các em còn xây dựng một bộ tài liệu, website và chuỗi video hướng dẫn để ai cũng có thể tìm hiểu, thực hành theo.

Sản phẩm thủ công ứng dụng dựa trên kỹ thuật may gối mặt huyệt

Sản phẩm thủ công ứng dụng dựa trên kỹ thuật may gối mặt huyệt

"Một thời gian triển khai khai dự án, chúng em được học về chủ thể văn hóa và chúng em nhận ra: Người quyết định có giữ kỹ thuật này hay không, chính là người Mường - chứ không phải những người Kinh như chúng em", Minh An nói. Từ đó, các em chủ động kêu gọi, mời các bác, các bà người Mường tham gia dự án: "Hiện có một số bác đã tham gia, cùng làm ra những sản phẩm mới. Chúng em tin rằng chỉ khi các bác thực sự thấy đây là nghề của mình, có thể mang lại giá trị kinh tế thì nghề mới sống lâu được. Ngoài việc gìn giữ văn hóa, chúng con hy vọng các bác có thể kiếm thêm thu nhập từ những sản phẩm này".

Tiếp nối hành trình từ "Những dấu chân nhỏ"

Tháng 11/2024, lần đầu tiên, nhóm tham gia dự án nhận được lời mời tham gia Festival Làng nghề và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội lần thứ 3. Đây là sự kiện có quy mô lớn trên thành phố, có sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực làng nghề, văn hóa. Tại sự kiện, các em đã tổ chức một gian hàng trưng bày sản phẩm và giới thiệu về dự án với khách tham quan. Đầu năm 2025, các em được đại diên UBND xã Tiến Xuân mời tham gia Ngày hội Văn hóa Mường, có cơ hội trò chuyện về văn hóa, chia sẻ về những nỗ lực mà mình đang làm trong dự án.

Đặc biệt, tại triển lãm Những dấu chân nhỏ (diễn ra từ ngày 24 đến 27/5/2025 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ, số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội), dự án Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất bảo tồn và phát triển kỹ thuật thủ công truyền thống đã được giới thiệu trang trọng. Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng hàng chục sản phẩm do các em học sinh, bà Bùi Thị Thưởng và một số người dân Mường thực hiện như hộp đựng giấy ăn, hộp đựng đồ, khay vải, và đặc biệt là chiếc gối mặt huyệt truyền thống.

Khơi dậy nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Thạch Thất- Ảnh 3.
Khơi dậy nghề thủ công truyền thống của người Mường ở Thạch Thất- Ảnh 4.

Bà Bùi Thị Thưởng và em Ngô Thị Minh An tại gian trưng bày sản phẩm dự án "Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất bảo tồn và phát triển kỹ thuật thủ công truyền thống" thuộc triển lãm "Những dấu chân nhỏ" trong lễ khai mạc vào sáng 24/5/2025 - Ảnh: T.T

Nhìn những sản phẩm xếp ngay ngắn trong gian trưng bày, bà Thưởng không giấu được niềm vui: "Khôi phục được nghề này, tôi mừng lắm. Xúc động và tự hào cho bản sắc dân tộc mình. Tôi mơ ước rằng sẽ có một hợp tác xã thủ công, sản phẩm của người Mường sẽ đi xa hơn, vào các khu du lịch, thậm chí ra nước ngoài, để mọi người biết đến và mang lại thu nhập cho cả cộng đồng".

Tiếp theo triển lãm Những dấu chân nhỏ, hành trình của dự án bảo tồn nghề thủ công truyền thống của người Mường vẫn tiếp tục. Trong gian nhà nhỏ của bà Thưởng, tiếng kim chỉ lách cách vẫn vang lên. Những đứa trẻ háo hức học từng đường thêu đầu tiên. Bà Thưởng tin rằng, nghề này sẽ không mai một. Cô học trò Minh An và các bạn tin rằng, nghề này sẽ sống, và sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những dấu chân nhỏ hôm nay rồi sẽ thành con đường lớn - con đường đưa nghề thủ công truyền thống của người Mường trở lại đời sống, trở thành niềm tự hào, thành giá trị kinh tế và quan trọng hơn cả, thành một mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhung-hoc-sinh-chung-tay-bao-ton-nghe-thu-cong-truyen-thong-cua-nguoi-muong-o-thach-that-20250524202420379.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm