Trong nhịp sống hiện đại, khi công nghệ số lên ngôi, mọi thông tin đều có thể truyền tải chỉ trong tích tắc, hình ảnh của những lá thư viết tay càng trở nên vắng bóng dần. Thế nhưng, với những người lính hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, giữa trùng khơi xa xôi, lá thư tay của các em học sinh từ đất liền vẫn là món quà vô giá.
Những dòng chữ nắn nót trên trang giấy mang theo tình cảm trong sáng, hơi ấm chân thành được gửi gắm qua từng câu chữ. Với người lính nơi đảo xa, mỗi bức thư tay là một lời động viên, một niềm vui bất ngờ thể hiện sự gắn bó tha thiết mà bền chặt giữa hậu phương và người lính - nơi tình yêu Tổ quốc luôn được truyền đi bằng những điều giản dị nhất.
![]() |
Các em học sinh rất thích viết và trang trí thư, thiếp gửi các chú bộ đội. |
Hướng về biển đảo quê hương, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiều trường học trên cả nước đã có những hoạt động thiết thực giáo dục học sinh về lòng yêu nước, ý thức chủ quyền lãnh thổ. Một trong những điểm sáng có thể kể đến trường Tiểu học Ninh Vân, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cô giáo Đinh Thị Ngọc, Tổng phụ trách Đội, đã âm thầm gieo những hạt giống yêu thương qua từng trang giấy học trò.
![]() |
Với bộ đội ở đảo xa, đây là món quà tinh thần vô cùng quý giá. |
Cô Ngọc khuyến khích các em học sinh viết thư tay gửi tới các chú bộ đội hải quân đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Ban đầu chỉ là một hoạt động nhỏ trong giờ sinh hoạt Đội, nhưng sau đó giá trị nhân văn qua thư viết tay được lan tỏa tới toàn trường. Cô trò bên nhau cùng thảo luận, chia sẻ, từng nét chữ của các em học sinh hiện lên tròn đầy, mềm mại qua bàn tay nhỏ xíu đang cẩn thận nắn nót từng dòng. Tất cả đều mang theo tình cảm trong trẻo, chân thành đến lạ kỳ.
Mỗi bức thư đều có lời chúc, lời nhắn gửi, mà còn được các em trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu: mặt trời đỏ rực trên biển xanh, chú bộ đội đứng gác nghiêm trang, cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên ngọn sóng. Có em còn cẩn thận dán thêm bông hoa ép khô hay gấp thư thành hình trái tim, hình hoa lá.
![]() |
Cô giáo kiểm tra kỹ từng bức thư trước khi gửi ra đảo xa. |
Phía sau từng nét bút non nớt là cả bầu trời tuổi thơ đầy yêu thương, háo hức. Bên cạnh thư, các em còn gửi kèm tranh vẽ, bưu thiếp tự làm, có cả những lời chúc mộc mạc, dễ thương... Tất cả được gói ghém cẩn thận, gửi qua các hội nhóm ra thăm Trường Sa, vượt sóng gió để đến tay những người lính nơi đầu sóng.
Chia sẻ về hoạt động giản dị mà ý nghĩa này, cô giáo Đinh Thị Ngọc bày tỏ: "Là người làm công tác Đội, tôi luôn trăn trở phải làm sao để tình yêu Tổ quốc không đơn thuần nằm trong sách vở, mà các em sẽ cảm nhận được bằng trái tim. Viết thư tay là một việc nhỏ, nhưng tôi tin đó là cách để các em kết nối với người lính đang lặng thầm hy sinh phần hạnh phúc riêng tư vì bình yên của đất nước. Khi đọc những dòng chữ ngây thơ, những lời chúc chân thành của các em, tôi xúc động vô cùng. Các em còn nhỏ, chưa hiểu hết khái niệm về chủ quyền biển đảo, nhưng tình cảm thì rất chân thật. Tôi tin những điều giản dị ấy sẽ theo các em suốt cả hành trình trưởng thành".
![]() |
Thành quả nhỏ nhưng khiến các em rất tự hào. |
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Tết hoặc các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, luôn có hàng trăm, hàng ngàn lá thư tay từ mọi miền Tổ quốc được các hội nhóm, câu lạc bộ yêu biển đảo tập hợp và gửi ra Trường Sa, Nhà giàn DK1. Những người đảm nhận việc gom thư, đóng gói, chuyển đi luôn xúc động, cẩn trọng bởi họ hiểu: từng bức thư là nhịp đập của trái tim thơ ngây hướng về biển đảo - cầu nối dịu dàng nhất mà cũng mang sức mạnh tinh thần thật lớn lao.
![]() |
Thư là món quà tinh thần động viên mỗi người lính. |
Những lá thư tay từ đất liền luôn được bộ đội hải quân nâng niu, đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhiều người lính còn xem đó là món quà quý giá giữa trùng khơi sóng lừng, gió mặn. Có người lính gấp thư cẩn thận, đặt trong túi áo ngực; có người ép thư vào sổ tay, thỉnh thoảng lại mở ra đọc, để thấy lòng ấm lại sau những ca gác dài bên biển đêm; có đơn vị còn làm khung treo thư tại phòng sinh hoạt chung, để ai đi ngang cũng có thể dừng lại vài phút, đọc một dòng thư thiếu nhi, ngắm nét vẽ mà thấy lòng dịu lại giữa chuỗi ngày xa đất liền.
![]() |
Nét chữ đầy yêu thương của các em nhỏ. |
Với người lính ở đảo xa, mỗi bức thư là tựa mảnh đất liền thu nhỏ mang theo tình cảm của các em nhỏ, của bóng dáng quê hương, của cả Tổ quốc luôn hướng về phía biển. Chính bởi lẽ đó, những lá thư viết tay luôn được bộ đội nâng niu như một phần ký ức đẹp nhất trong hành trình canh giữ chủ quyền thiêng liêng.
![]() |
Niềm vui của bộ đội hải quân khi đọc thư của học sinh ở đất liền. |
Nhiều năm qua, trước khi tàu rời cảng, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành lại cẩn thận kiểm tra thêm lần nữa những thùng đựng thư tay của học sinh từ khắp mọi miền gửi tới đã được bảo quản kỹ càng chưa. Hơn 10 năm làm "bồ câu đưa thư", anh thấm thía nhiệm vụ trao gửi niềm tin của đất liền cho bộ đội, cũng không đếm nổi mình đã chuyển bao nhiêu bức thư tay ra với Trường Sa...
![]() |
Đọc thư bên thềm sóng... |
Chia sẻ về hành trình ấy, anh Trần Vũ Thành bày tỏ: "Với người lính, đó là cả một thế giới tinh thần vô cùng phong phú. Có lần, một chiến sĩ trẻ cầm bức thư trong tay, đọc đi đọc lại rồi khẽ nói với tôi: "Từ khi ra đảo, em chưa từng được gặp người thân, nhưng nhờ thư các em nhỏ mà em càng thêm vững vàng". Trong những chuyến ra với đảo xa, nhà giàn... chính những điều tưởng chừng nhỏ bé như những bức thư của trẻ em lại làm nên sức mạnh tinh thần kỳ diệu".
![]() |
Với bộ đội, đọc thư cũng là một nội dung sinh hoạt. |
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Trường Sa được giải phóng, nhưng tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn được thắp lên từ những thế hệ măng non. Giữa thời đại của công nghệ số, chính những lá thư tay mộc mạc lại là cách giáo dục giá trị truyền thống, là hành động tiếp lửa để Trường Sa không xa, để người lính nơi đảo xa luôn cảm nhận được: Non sông liền một dải, tình yêu Tổ quốc được bắt đầu từ trang giấy, nét bút tinh khôi của học trò.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-la-thu-xuc-dong-gui-truong-sa-post876220.html
Bình luận (0)