Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những người giữ hồn của biển

Giữa trưa hè, ánh nắng vàng rực phủ loang mặt biển lấp lánh. Từ bờ, những con thuyền rực rỡ cờ phướn nhấp nhô, rẽ sóng tiến ra khơi.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk20/07/2025

Trên thuyền dẫn đầu, ông Lê Tấn Lực, chủ tế Lễ hội Cầu ngư làng chài Mỹ Quang (xã Tuy An Nam) nhẹ nhàng nâng nén nhang, thành kính khấn nguyện. Khói trầm bay lên quyện vào gió biển mặn mòi, lan đi giữa không gian biển trời bao la.

Trên các thuyền còn lại, đoàn người kính cẩn hướng lòng mình về biển, gương mặt ai cũng ánh lên vẻ thành tâm thiêng liêng. Dường như trong khoảnh khắc ấy, có một sợi dây vô hình kết nối giữa người dân làng chài với cội nguồn tổ tiên, với vị thần hộ mệnh cá Ông và khát vọng bình an giữa trùng khơi sóng nước.

Ông Lực hướng ánh nhìn ra biển cả mênh mông, giọng trầm ấm hòa cùng tiếng sóng: “Chúng tôi ra biển làm lễ Nghinh Ông là để cầu mong Ông chứng giám lòng thành của dân làng, cảm ơn ân đức Ông che chở cho bà con ra khơi bình an, đánh bắt nhiều tôm cá”.

“Ông” hay cá Ông là cách ngư dân làng chài tôn kính gọi cá voi – vị thần Nam Hải linh thiêng theo tín ngưỡng dân gian. Cả đời phơi mình trước biển, bà con làng chài Mỹ Quang không ít lần đối mặt với giông gió, bão tố hiểm nguy, vậy mà như có phép màu, chuyện dữ hóa lành. Những lần thoát nạn ấy càng khiến người làng chài thêm tin vào sự linh thiêng của cá Ông. “Có những lần đi đánh bắt cá ngoài khơi xa gặp bão, tôi cũng như người trong làng tưởng không còn đường về. Nhưng nhờ Ông phù hộ, chúng tôi may mắn thoát nạn…”, ông Lực hướng mắt về phía biển khơi mênh mông, giọng khàn đặc thành kính.

Nối nghiệp cha, ông Lê Tấn Lực tận tâm gìn giữ hương khói, cúng tế tại Lăng Ông Mỹ Quang.

Gia đình ông Lực nhiều đời gắn bó với biển. Từ đời ông, đời cha đến bốn anh em trai ông đều nương vào biển cả mưu sinh. Ngày trước, cha ông - ông Lê Nhẹ (dân làng hay gọi là ông Tám Phơi) biết chữ nghĩa, rành rẽ việc cúng tế nên thường đảm nhận phần nghi lễ trong các dịp quan trọng của làng. Sau khi cha mất, ông Lực nối nghiệp, gánh vác trọng trách ấy.

Trước kia, ông Lực ròng rã bám biển, lo từng bữa cơm manh áo, nuôi con ăn học. Gần chục năm nay, khi kinh tế gia đình tạm ổn, ông gác mái chèo, rời tay lưới, dồn tâm sức cho việc làng, việc lạch. Ông cùng các thành viên Ban Vạn lạch Mỹ Quang vận động bà con trong làng, kêu gọi các nhà hảo tâm góp sức xây dựng Lăng Ông Mỹ Quang ngày càng khang trang. Với ông Lực, việc dựng lăng, lo cúng tế, gìn giữ hương khói không chỉ là trách nhiệm của một bậc cao niên trong làng mà còn là tâm nguyện cả đời để báo đáp công đức cha ông và thần ân Nam Hải.

Vài ngày trước đó, làng chài Long Thủy (phường Bình Kiến) cũng rộn ràng không khí lễ hội Cầu ngư. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giữa làng biển yên ả, gọi mời bước chân náo nức của du khách thập phương và những người con xa quê tìm về. Để buổi lễ diễn ra trọn vẹn, ông Nguyễn Cho - Lạch trưởng của Ban Vạn lạch Long Thủy đóng vai trò chính. Ông Cho dáng người thấp đậm, làn da đen sạm in hằn dấu vết của gió sương và những chuyến đi biển suốt mấy chục năm không ngơi nghỉ. Ở tuổi lục tuần, dù không còn trực tiếp ra khơi nhưng hồn cốt biển cả vẫn vẹn nguyên trong ông.

Lạch trưởng Nguyễn Cho dẫn đầu đoàn nghinh Ông trong lễ hội Cầu ngư ở làng chài Long Thủy.

Bao năm qua, ông Cho “đứng mũi chịu sào” lo việc làng như một cách trả nghĩa với biển, với tiền nhân. Gắn bó nửa đời người với lễ hội Cầu ngư, ông thuộc nằm lòng từng nghi thức hành lễ, từ túc yết, nghinh Ông, tế tiền hiền - hậu hiền đến thỉnh sanh... Trên cương vị lạch trưởng, ông không quản ngại gõ cửa từng nhà, vận động bà con góp công, góp của để lễ hội được tổ chức đầy đủ, giữ được nét truyền thống. Ông Cho trầm mặc: “Biển cho bà con mình cái ăn cái mặc, còn thần Nam Hải thì che chở, cứu giúp ngư dân mỗi khi sóng to gió lớn. Nghi lễ này không chỉ để tạ ơn Ông, mà còn để lớp trẻ hiểu được cái nghĩa, cái tình của cha ông với biển cả, với vị thần đã chở che, phù hộ”. Ông cười hiền, nụ cười làm rạng rỡ gương mặt sạm nắng: “Tiền bạc thì eo hẹp nhưng ai cũng góp công góp sức. Tình làng nghĩa xóm ấm áp lắm!”.

 

Giữa guồng quay đô thị hóa hiện nay, lễ hội Cầu ngư vẫn lặng lẽ neo giữ hồn biển trong đời sống của người dân làng chài ở phía Đông của Đắk Lắk, là mạch nguồn tâm linh bền bỉ, nơi hun đúc bản sắc của một vùng văn hóa biển khó phai trong ký ức cộng đồng.

Lễ hội không chỉ được duy trì bằng nghi thức trang trọng mà còn bởi tấm lòng chân thành của bà con làng chài, mang đến một không gian đậm tính cộng đồng, giàu cảm xúc. “Tôi thực sự bất ngờ và xúc động khi chứng kiến lễ hội ở làng biển này. Từ cụ già đến trẻ nhỏ đều chỉnh tề trong sắc phục, nghiêm cẩn trong từng nghi lễ. Cách họ rước thần, tế lễ, hướng lòng thành về biển cả cho thấy đây không chỉ là một nghi lễ đơn thuần, mà là một phần đời sống tâm linh của ngư dân miền biển”, chị Nguyễn Mai Anh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Lễ hội Cầu ngư không chỉ được lưu giữ qua nghi lễ trang nghiêm và tín ngưỡng truyền thống, mà còn sinh động nhờ các hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc. Trong đó, hát bả trạo (có nơi gọi là bá trạo) là loại hình diễn xướng tiêu biểu, nơi ngư dân gửi gắm niềm tin và khát vọng bình yên giữa biển cả. Khi lời xướng vang lên hòa cùng nhịp trống, nhịp chèo, những bàn tay chai sần quen cầm lưới nay khua đều trong điệu bả trạo rộn ràng trước lăng Ông: “Chân trời mù mịt bao la (là hù là khoan)/ Quê hương là biển cả (là hù là khoan)/ Ghe thuyền ta là nhà (là hù là khoan)”... Trong khoảnh khắc ấy, các ngư dân nhập vai Tổng lái, Tổng mũi, Trạo phu… tái hiện sống động hành trình mưu sinh giữa trùng khơi.

Hiện nay, ở các làng chài ven biển của tỉnh có hơn 40 lăng thờ Cá Ông. Từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch hằng năm, không khí cầu ngư rộn ràng khắp các làng biển này, tùy điều kiện từng nơi lễ hội có thể kéo dài từ 3 - 6 ngày. Nhiều ngư dân không chỉ giỏi nghề biển mà còn am hiểu và tham gia diễn xướng bả trạo, như: Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Minh (lạch Mỹ Quang), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích (lạch Long Thủy)… Nhiều năm qua, họ âm thầm gìn giữ, truyền dạy hát bả trạo, góp phần làm nên linh hồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc sắc của lễ hội Cầu ngư ở các làng chài và trong cư dân miền biển.

Hò bả trạo là loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc trong nghi lễ Cầu ngư.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chia sẻ: Lễ hội Cầu ngư là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, thể hiện đậm nét bản sắc tín ngưỡng của cư dân ven biển miền Trung nói chung và Phú Yên (cũ) nói riêng. Đây không chỉ là dịp để ngư dân bày tỏ lòng tri ân với biển cả, mà còn là biểu hiện sâu sắc của mối gắn bó thiêng liêng giữa con người và đại dương – nơi họ gửi gắm niềm tin tâm linh vào vị phúc thần Cá Ông, cầu mong sự che chở, phù hộ trong mỗi chuyến ra khơi. Năm 2016, lễ hội Cầu ngư của tỉnh Phú Yên (cũ) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Sơn, việc lập lăng thờ và tổ chức nghi lễ an táng mỗi khi cá Ông lụy là biểu hiện sâu sắc về lòng biết ơn của ngư dân đối với vị thần hộ mệnh giữa đại dương. Lễ hội Cầu ngư không dừng lại ở khía cạnh tín ngưỡng, mà còn là không gian cố kết cộng đồng; tại các vạn chài, ngư dân gặp gỡ, sẻ chia kinh nghiệm đi biển, hun đúc tình làng nghĩa xóm, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để vươn khơi bám biển, giữ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn: https://baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202507/nhung-nguoi-giu-hon-cua-bien-93915ee/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm