Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những sợi chỉ dệt sắc màu Đam Pao

Đam Pao, buôn nhỏ với những người phụ nữ kiên trì, ngày ngày mải miết trên khung dệt, hoà mình làm một với những sợi chỉ. Họ đã dệt nên sắc chàm của núi, sắc xanh của trời, sắc đỏ của những buổi hoàng hôn rợp bóng. Người đàn bà hoá thân vào khung cửi, dệt nên sắc màu Đam Pao.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng01/04/2025

Bài 1: Người đàn bà hoá thân vào khung dệt

Mẹ Thin - nghệ nhân Long Đinh Ka Niêr hơn 80 tuổi vẫn mải miết quay sợi
Mẹ Thin - nghệ nhân Long Đinh Ka Niêr hơn 80 tuổi vẫn mải miết quay sợi

70 NĂM MIỆT MÀI TRÊN KHUNG DỆT

Mẹ Thin, như cái cách người K’Ho thường gọi người phụ nữ lớn tuổi theo tên con gái cả, đã qua tuổi 80. Bà không còn nhớ đã biết dệt từ khi nào, có lẽ là từ tuổi thơ, khi bà còn là cô bé Long Đinh Ka Niêr mới lên 5, lên 7, theo mẹ, theo bà lên rừng, hái từng lá t’râm cà đ’ rể (t’rum lá nhỏ)  hay t’râm r’đó (t’râm lá lớn), giã ra để nhuộm những sợi chỉ bông cho ra được màu chàm của núi rừng. Cây t’râm là cây dùng để nhuộm sợi chỉ của người K’Ho Đam Pao, gần gũi với người Đam Pao như máu thịt.

Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, bà Ka Niêr vẫn còn mải miết dệt những tấm vải màu chàm với phong cách dệt truyền thống của người phụ nữ K’Ho. Bà bảo, người phụ nữ K’Ho lấy chính mình làm khung dệt. Chân đạp vào khung, căng lưng giữ phẳng sợi chỉ, tay luồn con sợi, không cần nhìn bằng mắt, bà Ka Niêr vẫn cho ra đời những tấm vải thổ cẩm mang sắc núi, với những hoa văn gợi nhớ những đỉnh núi quê hương. “Già rồi, ngồi dệt mệt lắm, đau lưng. Nhưng vừa nhớ khung dệt, vừa dạy nghề cho con, cho cháu, lại kiếm thêm chút tiền nên bà vẫn quay bông, xe chỉ, nhuộm và dệt hàng ngày”, người phụ nữ K’Ho tóc bạc trắng vẫn cặm cụi xe chỉ vừa nhắc con gái, cháu gái những kỹ thuật dệt được bà, được mẹ truyền lại.

Gia đình bà Ka Niêr là gia đình có nhiều thế hệ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Các con gái của bà như bà Long Đinh Ka Thin cũng đã gần 70, bà Ka Ba trên 60 vẫn mải miết dệt mỗi ngày. Cháu gái của bà, chị  Long Đinh Ka Ly, 45 tuổi cũng vẫn gắn bó với nghề dệt. Cả dòng họ Long Đinh của bà, các con gái, cháu gái đều biết nghề dệt thổ cẩm của các cụ truyền lại. Những người đàn bà ấy đã hoà cuộc đời của mình vào những sợi chỉ mang màu núi, những sợi chỉ được truyền lại từ mẹ, từ bà, từ truyền thống xa xưa người K’Ho Đam Pao.

Không chỉ có gia đình bà Ka Niêr, còn gia đình mẹ Nương, bà Đơn Gun Ka Trăng, gia đình bà Ka Tín, người phụ nữ nổi tiếng giỏi giang trong nghề dệt, người đã dạy biết bao cô gái Đam Pao những hoa văn truyền thống của buôn làng… Những người phụ nữ qua bao thế hệ vẫn đang mải miết, cần mẫn mỗi ngày để duy trì nghề dệt Đam Pao.

“SỢI CHỈ KHÔNG GẶP NGƯỜI LẠ”

Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Đam Pao mang đầy nét văn hoá riêng của vùng đất núi. Bà Long Đinh K’Thin, người đã có gần 60 năm gắn bó với nghề dệt kể lại rất tường tận về nghề dệt thổ cẩm buôn mình. Bà bảo, hồi xưa, người đàn bà Đam Pao dệt thổ cẩm từ đầu tới cuối. Tới mùa, bà theo mẹ gieo hạt bông, rồi tới mùa khô, khi bông chín, bà thu từng cụm bông về, phơi thật kỹ, đánh xơ bông rồi cuốn vào cúi, dùng con xe chỉ quay vòng để có những cuộn chỉ. Chỉ được nhuộm bằng lá t’râm già, giã nhuyễn, ngâm chung với hạt bầu, trái ớt mới ra được màu chàm “gốc”, màu chàm đúng màu các cụ để lại. Bà bảo, người Đam Pao kiêng cữ, khi nhuộm chỉ không được để người lạ vào khu nhuộm, “sợi chỉ không gặp người lạ”, sẽ hỏng mẻ nhuộm, chỉ lên không đúng màu.

“Ngày xưa, đàn ông trong buôn chỉ tham gia đúng vào việc lên rừng, hái lá t’râm về để phụ nữ nhuộm vải. Còn lại là việc của phụ nữ, đàn ông không tham gia. Còn bây giờ, các gia đình còn giữ nghề dệt thổ cẩm đã mang cây t’râm cà đ’ rể, t’râm r’đó về trồng ngay vườn nhà. Cây t’râm chỉ hái lá già để nhuộm, ngọn non để cây lớn”, bà Ka Thin kể lại. Như gia đình bà, với nghệ nhân Ka Niêr còn giữ được truyền thống trồng bông để thu hoạch bông, tự xe chỉ dệt vải. Cây bông được trồng cuối mùa mưa, tới tháng 2 đầu mùa khô là trái bông khô cong, cho ra những cụm bông trắng muốt, là mùa người K’Ho thu hoạch bông để xe chỉ.

Trong gia đình người K’Ho Đam Pao, dệt vải đã trở thành truyền thống, truyền từ mẹ sang con, từ bà sang cháu. Những hoa văn hình núi, hình nước được bàn tay khéo léo của người phụ nữ dệt nhanh thoăn thoắt, như máu thịt được khảm vào đôi tay, vào tấm lưng của họ từ khi sinh ra, khi còn nằm trên lưng mẹ. Thổ cẩm Đam Pao được cư dân những vùng xung quanh, từ Đa Huynh, Bồ Liêng, Kon Tách Đăng, R’Lơm, Đa Nung… yêu mến và dùng để may ùi, may áo cho nam thanh nữ tú, cho người già và em bé. Sắc màu từ bàn tay người phụ nữ Đam Pao đang rực rỡ mỗi ngày, góp phần lưu giữ và phát huy truyền thống của người K’Ho đất Lâm Hà, đẹp như bức tranh mang sắc núi rừng cao nguyên.

(CÒN NỮA)

Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/nhung-soi-chi-det-sac-mau-dam-pao-08d417a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm