Ngày chị hai lấy chồng, tôi nhớ ba đã trằn trọc cả tháng. Đứa con gái đầu gả xa tận mấy trăm cây số ở tuổi ngoài 30, khiến ba nhận không ít lời nghi ngờ từ phía nhà chú rể. Rằng con gái của ông sao lại cưới muộn thế? Rằng nhà chúng tôi xa xôi cách trở, chắc chỉ cử mỗi bố chú rể vào dự cho có mặt đàng trai. Tôi thấy ba ngồi trên võng, môi mím chặt, mắt đỏ hoe, trên trán hằn thêm vài vết nhăn sâu hoắm. Người đàn ông làng chài vốn ăn sóng nói gió, nay cố nhỏ nhẹ để giải thích thiệt hơn. Ba sợ chỉ vài lời to tiếng đôi co, lại hỏng đi ngày vui của con gái. Hôm vu quy, ba chạy chiếc xe Wave đời cũ lên đèo đón bố chú rể bị kẹt vì tai nạn xe khách. Bộ vest thuê hôm trước nhăn nhúm và ướt rượt mồ hôi, tới khi làm lễ đã chẳng kịp hong ủi. Ba đã bỏ lỡ cái dắt tay đầu tiên trong vô vàn trắc trở chẳng ai ngờ tới.
Chị hai có bầu 5 tháng thì ly hôn. Ngày ba ra ga tàu đón chị, tuổi của ba như cộng thêm 10 năm trong nháy mắt. Ba lom khom dỡ đồ đặt lên xe máy, cột chặt bằng cái dây thun 7 màu. Xoa đầu chị như lúc nhỏ, ba chở chị về nhà trên chiếc xe Wave cũ kỹ. Tôi thấy chị gục lên vai ba, chẳng mấy chốc áo ba đã ướt đẫm thành mảng nhỏ. Giọt nước mắt tủi thân của đứa con gái chịu lắm đắng cay, nay được trở về trong vòng tay của ba như thuở bé, phút chốc như cái vòi chẳng cách nào cài lại van khóa. Ba thở dài, dừng xe trước quầy bánh ngọt, mua một ổ bánh bông lan tròn. Một món ăn khoái khẩu chuyên trị những cơn khóc nhè ngày xưa, được chị nâng niu, cắn từng ngụm lớn trong nức nở. Mắt ba bất giác cũng đỏ hoe. Ba lẩm bẩm, cái hòn đá lỡ rơi giữa đường, ba cũng dừng xe để đem vào trong lề phố. Chẳng lẽ là ba hành thiện chưa đủ, nên con gái ba mới khổ thế này?
Hôm chị sinh, ba ký tên vào tờ giấy phẫu thuật mà tay run lẩy bẩy. Tôi thấy môi ba trắng bệch, nói chẳng nên một câu rõ nghĩa. Tới khi bác sĩ đẩy chị ra cùng một đứa bé, chân ba như dỡ đi gánh nặng chống đỡ, ngã khuỵu ra trên sàn nhà. Ơn trời, con gái của ông vẫn bình an.
Ngày tôi trưởng thành, ba hay bảo chỉ chờ tôi gả cho người đàng hoàng là đời này đã mãn nguyện. Đừng lấy chồng xa quá, nhỡ ba mẹ có chuyện lại chẳng kịp về. Cũng đừng gả gần quá, rủi đâu mấy đứa hục hặc, ba nghe được sẽ chẳng an tâm. Tôi ôm lấy đôi vai xương gầy của ba, hứa dõng dạc sẽ đem về cho ông một chàng rể tốt. Vậy mà mới 2 tháng sau ngày tôi nhận bằng đại học, ba đã thả mãi lời hứa chưa trọn ấy ngoài biển, trong đêm đen đầy gió và bụi. Tôi nắm lấy tay ba, đôi tay đầy nước biển lạnh đã đọng lại thành từng mảng muối trắng. Những lời muốn nói hay chưa nói đều nghẹn lại cuống họng. Trong cái đêm đen kịt chẳng thấy nổi tương lai, trên cái ghe sơn xanh viền đỏ, tôi đã đánh mất đi người hùng vĩ đại của cuộc đời mình.
Tôi chẳng nhớ nổi mình đã khóc bao lâu trong chuỗi ngày đau khổ sau đó. Những ngày mà chỉ mở mắt ra là thấy di ảnh ba, thấy bàn thờ lất phất khói nhang cùng chiếc bóng đèn trái ớt đỏ loang lổ những mảng màu u uất. Ngày mà bên tai chỉ còn tiếng kinh cầu siêu từ cái đài cát-sét đặt bên phải di ảnh được mở đọc từ sáng tới khuya. Chị hai quỳ trước ban thờ, khóc ngất. Mấy đứa con gái còn chưa tìm được một bờ vai để tựa, sao ba đã vội yên tâm để qua miền miên viễn quá sớm? Chị nói xong liền nức nở xin lỗi, bởi tới cuối cùng, chúng tôi vẫn nợ ba một cái dắt tay trọn vẹn trên lễ đường.
Tôi như chợt lớn chỉ sau một cơn ác mộng. Ba vẫn như xưa, tới ngày xuôi tay vẫn kịp dạy tôi bài học cuối cùng về sự trưởng thành. Có điều, bài học này sao mà đớn đau quá đỗi. Giá mà… ba có thể dắt tay con ...
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/170975/no-ba-mot-cai-dat-tay
Bình luận (0)