Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả. Cụ thể, như vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn TP Hà Nội, với 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai…, thu về gần 500 tỷ đồng. Hoặc vụ việc tại tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh này đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả thu giữ được gần 10 tấn. Hay mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, triệt xóa đường dây sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất, các lực lượng thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn, 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo”, 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Hiện nay, người tiêu dùng đang lo lắng trước tình trạng hàng giả ngày càng gia tăng. Đặc biệt là đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe như sữa và thuốc, việc sử dụng hàng giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Nhiều người cho rằng, các loại hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều khiến họ cảm thấy bất an và khó lòng yên tâm khi mua sắm, đặc biệt là khi họ không có đủ thông tin để xác minh chất lượng của sản phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra mặt hàng sữa tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Chị Nguyễn Mai Hương, ở phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: Đọc tin tức, tôi thấy các vụ việc về sữa giả, có nhiều thông tin đồn sữa giả làm từ các chất liệu không rõ nguồn gốc làm tôi không dám mua sữa, vì không biết đâu là hàng thật. Nếu mua phải hàng giả có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình.
Tương tự, anh Minh Tuấn, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), chia sẻ: Gần đây, tôi nghe nói nhiều về việc thuốc giả được bán tràn lan, trong đó có những loại thuốc điều trị bệnh nguy hiểm. Thậm chí, có thể là thuốc giả nhưng vẫn được bán với giá rất cao. Tôi thấy lo lắng vì thuốc giả không thể chữa bệnh mà còn có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, nhưng hiện nay việc phân biệt giữa thuốc thật và giả rất khó nên tôi chỉ biết tìm các cửa hàng uy tín có thương hiệu để mua.
Trước tình trạng hàng giả gia tăng, Chi cục QLTT tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tính hết quý I/2025 lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 27 vụ; phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trần Kiều Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Hàng giả, nhất là các thực phẩm giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu người tiêu dùng không may sử dụng. Các đối tượng kinh doanh hàng giả hiện nay sử dụng nhiều phương thức tinh vi để lừa dối người tiêu dùng. Một trong những thủ đoạn phổ biến là làm giả bao bì, tem mác của các thương hiệu nổi tiếng. Họ sử dụng chất liệu gần giống với sản phẩm thật và thậm chí sao chép các mã vạch, tem chống hàng giả, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Thủ đoạn khác là bán các sản phẩm với giá rất rẻ so với giá trị thực tế của sản phẩm chính hãng. Những sản phẩm này được quảng cáo là “giảm giá đặc biệt” hoặc “khuyến mãi”. Các trường hợp dễ bị lừa đảo chủ yếu là người tiêu dùng thiếu thông tin về sản phẩm hoặc mua sắm ở các kênh không chính thống. Thời gian qua, Chi cục luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua quá trình kiểm tra, đến nay chưa phát hiện cơ sở nào sản xuất, kinh doanh buôn bán sữa giả trên địa bàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh cơ bản đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi mua sắm, chỉ mua hàng tại các cơ sở uy tín, có giấy phép hoạt động. Việc kiểm tra các thông tin như mã vạch, tem chống giả, hoặc tra cứu thông tin trên các website chính thức của nhà sản xuất cũng rất quan trọng. Khi phát hiện sản phẩm nghi ngờ là hàng giả, cần kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Dạo quanh thị trường sữa trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, cho thấy các cửa hàng đều niêm yết giá đầy đủ và các loại sữa có tem nhãn rõ ràng. Bà Lê Thị Bảo Kim, chủ tiệm sữa Viên Kim tại chợ Phan Rang, cho biết: Cửa hàng chỉ kinh doanh các sản phẩm theo phương thức truyền thống, không bán online, việc nhập hàng hóa được tôi quản lý chặt chẽ với nhà phân phối uy tín và chỉ nhập các sản phẩm chính hãng để đảm bảo các sản phẩm sữa sạch và cũng thường xuyên kiểm tra tem, nhãn mác để đảm bảo không có sản phẩm giả lọt vào cửa hàng.
Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả tràn lan trên thị trường không chỉ khiến lo lắng, bất an mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hàng giả. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức và thận trọng khi mua sắm. Mỗi người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, mua sắm tại các cửa hàng uy tín để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của chính mình. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cũng cần thực hiện đúng các quy định về nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có như vậy, mới giảm thiểu, ngăn chặn được tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Hồng Nguyệt
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/153030p1c30/noi-lo-hang-gia.htm
Bình luận (0)