Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗi niềm chung của HLV Roland và Kim Sang-sik: Chuyện bao năm vẫn thế!

HLV Roland và Kim Sang-sik đều chung quan điểm cầu thủ trẻ Việt Nam có ít cơ hội ra sân, nhưng đó là chuyện không thể sửa trong một sớm một chiều.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên15/04/2025

HLV Roland kể chuyện... muôn năm cũ

"U.17 Việt Nam cần được thi đấu nhiều hơn để làm quen với áp lực và thích nghi với hoàn cảnh. Mỗi trận đấu là một thử thách, bối cảnh khác nhau, chẳng trận nào giống trận nào cả. Càng được trải nghiệm, cầu thủ càng cứng cáp và chín chắn hơn", HLV Cristiano Roland trả lời Báo Thanh Niên khi nhắc lại câu chuyện cũ, nhưng bao năm qua vẫn còn nóng hổi với bóng đá Việt Nam: cầu thủ trẻ... có quá ít đất dụng võ.

Trước khi lên nắm đội U.17 Việt Nam, ông Roland đã đưa U.17 Hà Nội giành chức vô địch U.17 quốc gia. Nhà cầm quân người Brazil thừa nhận cái lợi học trò nhận được không chỉ là danh hiệu, mà còn bởi nhờ vào tới chung kết, mà U.17 Hà Nội được đá nhiều trận hơn các đội khác.

Nỗi niềm của ông Roland và Kim Sang-sik: Chuyện bao năm vẫn thế! - Ảnh 1.

U.17 Việt Nam để lại dấu ấn đẹp ở giải châu Á

ẢNH: VFF

Tổng cộng, U.17 Hà Nội đá 16 trận. Đó cũng là tất cả những gì lứa trẻ Hà Nội này có được trong 1 năm. Trung bình mỗi tháng đá chưa đến 2 trận chính thức. Tuy nhiên, đá được như U.17 Hà Nội đã là... nhiều.

"Những đội bóng không vượt qua vòng loại thì sao? Họ chỉ có 8 trận chính thức mỗi năm. Con số đó quá ít để cầu thủ làm quen với áp lực. Họ khó bắt nhịp tốt với guồng chuẩn bị cho một trận đấu, bỡ ngỡ trước sức ép, chẳng quen với việc hát Quốc ca hay có người hâm mộ đến sân", ông Roland nói.

Các đội trẻ trong nước, chủ yếu gồm hai lứa U.17 và U.20, hiện chỉ có một giải quốc gia để cọ xát, với khoảng 8-15 trận mỗi năm. Nếu không đấu giải, các đội U.17 thường dàn quân tập "chay", thi thoảng gặp nhau đá giao hữu. Một số đội tham gia giải quốc tế như Hà Nội, PVF, cũng chỉ đá thêm được khoảng 3 trận.

Đó là chưa kể, bóng đá Việt Nam lâu nay có những đội lập ra chỉ để đá giải... rồi thôi. Cũng có những đội phải đi mượn quân trẻ của đội khác để đá giải U.17, U.20 nằm đáp ứng tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Với số CLB nghiêm túc với bóng đá trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay, hệ thống giải trẻ nghèo nàn và duy trì thể thức cũ suốt nhiều năm, con số 40 trận đấu chính thức/năm mà HLV Roland mong muốn còn xa vời lắm.

Nỗi niềm của ông Roland và Kim Sang-sik: Chuyện bao năm vẫn thế! - Ảnh 2.

Đừng lãng phí tiềm năng lớp trẻ

ẢNH: VFF

Ông Roland chỉ có thể gom quân rồi tập huấn 2, 3 tuần trước các giải lớn như U.16 Đông Nam Á hay U.17 châu Á. Với quá trình chuẩn bị chắp vá như vậy, cơ sở nào để... mơ World Cup?

Bài toán nan giải

Số tuyển thủ trẻ (U.17, U.20) được đá V-League chỉ đếm trên đầu ngón tay. HAGL là đội hiếm hoi tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ, khi cả Trần Gia Bảo (17 tuổi) hay Đinh Quang Kiệt (18 tuổi) đều đã đá chính tại V-League.

Tuy nhiên, không phải đội nào cũng rộng lòng với cầu thủ trẻ như HAGL, SLNA, Thể Công Viettel hay Hà Nội. Có những đội từng vô địch V-League, nhưng dấu ấn tuyến trẻ không đáng kể. Có lẽ mua sẵn cầu thủ giỏi vẫn là lựa chọn an toàn và dễ dàng hơn nhiều so với đào tạo trẻ.

Dù vậy, nếu đội nào cũng như vậy, những HLV Roland sẽ... lấy đâu ra cầu thủ U.17 để giúp bóng đá Việt Nam mơ World Cup trẻ.

HLV Kim Sang-sik đồng tình với thực tế: có rất ít cầu thủ trẻ được tạo điều kiện trau dồi. Năm 2024, ông Kim "xới tung" V-League, cũng chỉ tìm được Trần Trung Kiên, Khuất Văn Khang và Bùi Vĩ Hào (cùng sinh năm 2003) là đủ giỏi cho đội tuyển Việt Nam.

Ở đợt tập trung tháng 3, ông Kim thử nghiệm tài năng Phạm Lý Đức, người đá trọn vẹn 15 trận đầu mùa cho HAGL. Song, Lý Đức không đáp ứng yêu cầu. Vì trung vệ sinh năm 2003 cũng giống hầu hết cầu thủ trẻ khác, không có cơ hội thi đấu thường xuyên khi còn trẻ.

Hay mới nhất, lứa U.23 Việt Nam từng vào tới tứ kết châu Á năm ngoái chỉ có 7 cái tên được ra sân thường xuyên ở V-League.

Việc ra sân ít có thể làm cầu thủ "thui chột" ra sao, hãy nhìn lứa U.16 Việt Nam của 9 năm trước. Dù lọt tới tứ kết U.16 châu Á 2016 (tức là còn tốt hơn U.17 Việt Nam bây giờ), nhưng lứa này chỉ còn Nguyễn Trần Việt Cường (CLB Bình Dương), Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Thanh Bình (Thể Công Viettel) và Vũ Đình Hai (Hà Nội) có suất ở V-League.

Số còn lại hoặc đá hạng nhất, hạng nhì, hoặc đã giải nghệ. Hồi kết buồn có thể lặp lại, nếu những lời thở than của ông Roland hay Kim Sang-sik vẫn là chuyện... "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Nguồn: https://thanhnien.vn/noi-niem-chung-cua-hlv-roland-va-kim-sang-sik-chuyen-bao-nam-van-the-185250415090912578.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm