Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗi niềm sầu riêng - 'quýt làm, cam chịu'

BPO - Đến hẹn lại lên, mùa sầu riêng đang chín rộ ở các tỉnh miền Nam, trong đó có Bình Phước. Thế nhưng, thay vì niềm vui trúng mùa, được giá, người trồng sầu riêng năm nay lại gánh chịu nỗi lo rớt giá, bị siết chất lượng và phải chịu hệ lụy từ một vấn đề mà họ không hề tạo ra - chất cấm vàng O. Phía đối tác, đặc biệt là Trung Quốc không chỉ yêu cầu kiểm định chất lượng về kim loại nặng như Cadimi và chất vàng O là các chất có nguy cơ gây ung thư, mà còn tăng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 100% mỗi lô hàng. Không chỉ khắt khe mà thời gian kiểm định kéo dài khiến hàng hóa bị tồn kho tại cửa khẩu.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước23/05/2025

Vàng O từ đâu đến?

Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc đang đặt ra hàng loạt yêu cầu khắt khe trong kiểm định sầu riêng. Trong đó, vàng O - loại chất cấm trong thực phẩm, đang là "tội đồ" khiến hàng loạt lô sầu riêng bị ùn ứ tại cửa khẩu, thậm chí bị trả về. Theo ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Minh Lập (thị xã Chơn Thành), chất này không phải do nông dân sử dụng mà lại xuất phát từ khâu xử lý sau thu hoạch của các thương lái. Nông dân không dùng bao giờ, chỉ có thương lái xử lý sau khi thu mua để đẹp mã, chín đều, dễ bán hơn.

Bình Phước vào mùa thu hoạch sầu riêng

Cùng quan điểm, TS Đặng Thị Kim Uyên, Phó Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện cây ăn quả miền Nam, chia sẻ: “Chắc chắn nông dân không biết đến vàng O, càng không hiểu cơ chế sử dụng. Việc này xuất phát từ các kho của thương lái, dùng để can thiệp màu sắc, độ chín nhằm phục vụ mục tiêu thương mại”.

Như vậy, người trồng không trực tiếp sử dụng, nhưng lại bị liên đới, chịu thiệt hại nặng nề. Khi một lô hàng bị phát hiện dư lượng vàng O, hậu quả là cả chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, giá tại vườn lao dốc. “Thương lái lỗ một, nông dân lỗ mười” - ông Châu Minh Tâm, nông dân ở ấp 3, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, nói.

Ông Châu Minh Tâm, ấp 3, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành vui khi vườn cây bị nhiễm bệnh được phòng trị kịp thời, buồn vì giá cả đi xuống

Trước tình hình này, đặc biệt là nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ phía đối tác, ngay từ ngày 24-1-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Văn bản số 293 gửi các địa phương, đơn vị trực thuộc, đại diện các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tiếp đó, ngày 25-2-2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã có Văn bản số 121 đôn đốc thực hiện kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đáng chú ý, đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm sử dụng theo yêu cầu của nước nhập khẩu…

Theo đó, 81 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu hiện có trên địa bàn tỉnh đã nghiêm chỉnh chấp hành theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Một tín hiệu khả quan và cũng là tin vui cho người trồng sầu riêng là Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam. Đây là điều kiện để sầu riêng nước ta, trong đó có Bình Phước có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu trở lại. Như vậy, Việt Nam hiện có tổng 1.469 vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Kết quả này cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt mà Trung Quốc đặt ra. 


Chênh lệch giá

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu, người trồng sầu riêng còn đang bị kìm hãm đầu ra ngay tại thị trường nội địa. Mặc dù giá tại vườn giảm sâu như giống Ri6 hiện chỉ còn khoảng 35.000-45.000 đồng/kg, thì ngoài thị trường, người tiêu dùng vẫn phải mua với mức gấp đôi.

Thương lái Dương Thị Mỹ Hạnh (xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú) cho biết: “Giá sầu riêng đầu mùa 90.000-130.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 65.000 đồng/kg”. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, siêu thị, người tiêu dùng vẫn mua với giá 80.000-100.000 đồng/kg.

Ông Châu Minh Tâm phân tích thêm: “Nếu chênh lệch khoảng 10.000 đồng thì còn hợp lý. Nhưng hiện tại, mức chênh đôi khi lên tới 30.000-40.000 đồng/kg. Trong khi người trồng lời chẳng bao nhiêu, còn người mua cũng không dám ăn vì giá bán cao”. Điều này đang biến một loại trái cây tiềm năng trở nên xa xỉ ngay trên chính quê hương mình.

Cần giải pháp toàn diện

Nỗi đau không nằm ở việc giá thấp hay tiêu thụ chậm, mà nằm ở chỗ người làm đúng vẫn phải chịu hậu quả từ người khác. “Chỉ một khâu sai phạm trong chuỗi cung ứng, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân”. Cả ông Lê Văn Tuấn và ông Châu Minh Tâm đều đề xuất: Cần có sự can thiệp từ cơ quan chức năng, đặc biệt là kiểm tra và kiểm soát chặt khâu sau thu hoạch, nơi các hành vi gian dối, sử dụng chất cấm có thể len lỏi. Mặt khác, việc điều tiết giá bán trong nước, giảm khâu trung gian, xây dựng hệ thống phân phối minh bạch, trực tiếp từ vườn đến chợ cũng là con đường để đảm bảo quyền lợi kép cho cả người trồng và người tiêu dùng.

Chăm sầu riêng như chăm con, người trồng ai cũng vui khi cây cho năng suất nhưng niềm vui không trọn vẹn vì thương lái dùng chất cấm khiến khâu kiểm dịch gặp khó

Nỗi niềm sầu riêng, không chỉ là câu chuyện của trái cây, mà là minh chứng rõ nét trong chuỗi cung ứng nông sản - nơi bà con nông dân “một nắng hai sương” lại thường nhận được ít nhất. Rất cần một hành động mạnh tay, đồng bộ và có trách nhiệm để những trái sầu riêng thơm ngon của Việt Nam không còn phải “đắng” vì sự tắc trách từ khâu trung gian và để người nông dân không còn phải chịu cảnh “quýt làm, cam chịu”.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/173110/noi-niem-sau-rieng-quyt-lam-cam-chiu


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm