NSND Kim Cương là một trong 7 nghệ sĩ tiêu biểu có đóng góp xuất sắc với vở kịch "Lá sầu riêng" do bà sáng tác, được vinh danh trong "50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TP HCM".
.Phóng viên: Nhìn lại hành trình nghệ thuật và cống hiến, bà tâm đắc điều gì?
NSND Kim Cương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
- NSND KIM CƯƠNG: Đó là được sống, được làm nghề, được cống hiến trong thời bình. Trước năm 1975, văn nghệ sĩ bị chia cắt hai miền Nam - Bắc, khi đất nước thống nhất, nghệ sĩ hai miền được gặp gỡ, giao lưu, cùng biểu diễn, cùng học hỏi, góp phần xóa nhòa khoảng cách, hàn gắn vết thương chiến tranh bằng chính nghệ thuật.
.Bà cảm nhận thế nào về tinh thần đoàn kết của văn nghệ sĩ TP HCM trong công cuộc xây dựng đất nước?
- Trong 50 năm qua, văn nghệ sĩ TP HCM và cả nước đã có cơ hội sống trọn với nghề. Chúng tôi được tự do sáng tạo, được thể hiện góc nhìn của mình về xã hội, con người, lịch sử, thân phận… trên sân khấu mà không còn bị rào cản bởi chiến tranh hay định kiến. Riêng Đoàn Kịch nói Kim Cương vinh dự là đơn vị nghệ thuật đầu tiên sáng đèn sau ngày 30-4-1975 với tác phẩm "Lá sầu riêng". Tinh thần đoàn kết của các văn nghệ sĩ trong những ngày đầu thống nhất và cho đến nay đơn giản là chúng tôi hiểu rằng chính nghệ thuật là cầu nối cảm xúc giữa con người với con người, giữa quá khứ và hiện tại.
NSND Kim Cương lại lễ “Tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP HCM (1975-2025)” tại Nhà hát Thành phố ngày 23-4 (Ảnh: KIM NGÂN)
.Sau năm 1975, không ít nghệ sĩ đối mặt với lựa chọn đầy thử thách: ở lại hay ra đi. Bà có chia sẻ gì về việc này?
- Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ chọn ở lại vì không thể sống thiếu sân khấu, thiếu tiếng vỗ tay của khán giả. Theo tôi, nghệ sĩ là phải sống với khán giả của mình. Tình yêu với nghề là điều không thể thay thế và chính mảnh đất TP HCM là nơi nghệ sĩ sân khấu cảm thấy được thỏa mãn sáng tạo, cùng nghệ sĩ cả nước thể hiện trách nhiệm với nghệ thuật dân tộc.
.Bà trăn trở gì về diện mạo sân khấu TP HCM hiện nay và thế hệ kế thừa?
- "Sân khấu đang sống nhưng sống yếu" - đây là nỗi niềm của các nghệ sĩ lão thành, không chỉ đau đáu vì lượng khán giả ngày càng teo tóp, mà còn vì tinh thần sáng tạo, tính chuyên nghiệp, lẫn bản sắc sân khấu truyền thống đang dần phai nhạt. Điều khiến các nghệ sĩ thêm lo lắng chính là lực lượng kế thừa. Dù xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, đầy triển vọng nhưng vẫn chưa đủ độ chín về tư duy, nên sân khấu hôm nay, dù đẹp về hình thức nhưng vẫn thiếu phần "hồn" sâu lắng.
Dẫu vậy, tôi kỳ vọng nhiều vào những sân khấu tử tế như: 5B, Nhà hát Trần Hữu Trang, IDECAF, Thiên Đăng, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh… Sàn diễn những địa chỉ này vẫn luôn sáng đèn, vẫn là nơi nuôi dưỡng những mầm non sân khấu.
.Để sân khấu cả nước nói chung, TP HCM nói riêng phát triển bền vững và tạo dấu ấn, theo bà cần phải làm gì?
- Nhìn lại hành trình 50 năm đất nước thống nhất, đội ngũ văn nghệ sĩ TP HCM - trong đó có lực lượng sân khấu, không khỏi tự hào khi đã góp phần tạo nên một đời sống tinh thần sôi động, phản ánh chân thực tâm thức và biến chuyển của thời đại. Song, về lâu dài cần một chiến lược phát triển sân khấu bài bản và đồng bộ. Lực lượng nghệ sĩ trẻ là tương lai của sân khấu nhưng hiện nay họ đang thiếu sân chơi, thiếu cơ hội để rèn luyện và thể hiện tài năng. Cần đầu tư cho các chương trình phát hiện, đào tạo và nâng đỡ nghệ sĩ trẻ một cách hệ thống thông qua học bổng, dự án nghệ thuật, trại sáng tác và cả chính sách đãi ngộ.
Công tác đào tạo hiện nay vẫn mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn sân khấu. Hồi đó đoàn Kim Cương đào tạo bên cánh gà, học đi đôi với hành. Diễn trong rạp khác diễn sân bãi, có bài học thực tiễn ngay để "bắt nhịp" với kỹ năng xử lý sân khấu, cảm thụ kịch bản và hóa thân vai diễn một cách tự nhiên. Hiện nay các sân khấu xã hội hóa, là nơi trực tiếp nuôi dưỡng nghệ sĩ trẻ nhưng không có điều kiện tài chính để "gồng gánh" việc đào tạo.
.Bà có hiến kế gì trong việc đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ?
- Theo tôi, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo đặc biệt dành cho nghệ sĩ trẻ và những sân khấu có mô hình đào tạo gắn với biểu diễn thực tế. Chẳng hạn như miễn giảm học phí, cấp học bổng cho học viên theo học nghệ thuật sân khấu truyền thống tại TP HCM; liên kết đào tạo để hình thành chuỗi khép kín giữa "nhà trường - nhà hát - sân khấu xã hội hóa" nhằm bảo đảm sinh viên sau khi học có nơi làm việc.
Không có diễn viên trẻ thì sẽ không thể có tương lai cho sân khấu. Việc xây dựng một cơ chế đặc thù cho đào tạo diễn viên trẻ tại TP HCM không chỉ là một gợi ý, mà là một yêu cầu cấp thiết. Đầu tư cho nguồn lực kế thừa chính là đầu tư cho sức sống bền vững của sân khấu mai sau.
NSND Kim Cương, nguyên sáng lập và Trưởng Đoàn Kịch nói Kim Cương, là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa kịch nói đến gần hơn với công chúng miền Nam sau năm 1975. Bà không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn là một đạo diễn, biên kịch xuất sắc, với nhiều tác phẩm để đời như "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Bông hồng cài áo"...
Bà cũng từng đảm nhiệm vai trò Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam (2009-2024), Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi TP HCM. Cống hiến của bà không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật mà còn trong công tác xã hội. Bà đã được Báo Người Lao Động trao tặng giải thưởng "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" vào năm 2023.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-kim-cuong-lam-nghe-si-cua-dat-nuoc-hoa-binh-that-hanh-phuc-196250426202304802.htm
Bình luận (0)