Tối 19/5, chương trình nghệ thuật chính luận Người là niềm tin tất thắng được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), nhằm lan tỏa sâu sắc tình cảm thành kính và thiêng liêng của nhân dân cả nước đối với Người.

NSND Phạm Phương Thảo thể hiện ca khúc "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" (Ảnh: Ban tổ chức).
Giữa không gian lắng đọng của chương trình, NSND Phạm Phương Thảo cất giọng với ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Đôi dép Bác Hồ.
Đây không phải là lần đầu tiên Phạm Phương Thảo hát Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác nhưng lần nào nữ ca sĩ vẫn giữ vẹn nguyên cảm xúc kính yêu và xúc động.
Với Đôi dép Bác Hồ, NSND Phạm Phương Thảo không chỉ xúc động trước hình ảnh giản dị của Người, mà còn thấm thía những chi tiết chân thật: Đôi dép cao su Bác đi suốt 11 năm, của một chiếc xe quân sự Pháp bị ta phục kích tại Việt Bắc. Nhiều lần, cán bộ cảnh vệ đề nghị Bác đổi dép, nhưng Bác chỉ cười hiền: "Vẫn còn đi được".
Sau chương trình, nữ ca sĩ chia sẻ trên trang cá nhân: "Hát về Bác, tôi hát bằng cả trái tim mình. Dù là ca sĩ hay chỉ là một người con đất Việt, mỗi lần hát về Bác là một lần tôi thấy mình được trở về với những điều thiêng liêng nhất".
Ngoài NSND Phạm Phương Thảo, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ như: NSƯT Lan Anh, NSƯT Vũ Thắng Lợi, cùng các nghệ sĩ Trường Linh, Đỗ Tố Hoa, Mộc An…
NSƯT Lan Anh thanh thoát mà đầy hào khí trong Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, NSƯT Vũ Thắng Lợi truyền cảm trong Dấu chân phía trước, trầm hùng với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người…
Dưới bàn tay phối khí của nhạc sĩ Thành Vương, những ca khúc vốn quen thuộc được làm mới bằng một tinh thần âm nhạc trẻ trung, hiện đại, nhưng vẫn giữ chất liệu dân gian thuần Việt - mộc mạc, sâu lắng và gần gũi.

NSƯT Vũ Thắng Lợi thể hiện ca khúc "Dấu chân phía trước" và "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" tại chương trình (Ảnh: Ban tổ chức).
Trước đó, chương trình được mở đầu với tác phẩm giao hưởng nổi tiếng Người về đem tới ngày vui, do nhạc sĩ Trọng Bằng sáng tác năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ca khúc được viết dưới hình thức Sonata giọng Fa trưởng, đây là một trong những bản khí nhạc tiêu biểu và thành công nhất viết về Bác, thể hiện niềm vui vỡ òa của dân tộc khi Người trở về dẫn dắt cách mạng.
Nối tiếp hành trình nghệ thuật là các tác phẩm gắn với từng dấu mốc trong cuộc đời Bác, từ Làng Sen tuổi thơ, ngày rời Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, những năm tháng "cháo bẹ rau măng" ở Pác Bó, đến Hà Nội - nơi Người sống trọn những năm cuối đời.
Những giai điệu như: Bác Hồ một tình yêu bao la (Thuận Yến), Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh)… không chỉ kể về Người, mà còn thay tiếng lòng của hàng triệu con người gửi đến vị cha già kính yêu của dân tộc.

NSƯT Lan Anh tràn đầy hào khí khi thể hiện "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" - gợi lại hình ảnh Bác Hồ giữa núi rừng Việt Bắc những năm tháng gian khó (Ảnh: Ban tổ chức).
Xen giữa các tiết mục âm nhạc là những phóng sự đặc sắc, kể lại hoàn cảnh ra đời của nhiều ca khúc nổi tiếng viết về Bác.
Trong số đó, Ca ngợi Hồ Chủ tịch là tác phẩm duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ông giới thiệu đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau khi ra đời, ca khúc đã được yêu mến rộng rãi và cho đến nay vẫn được xem là một trong những bản nhạc hay và xúc động nhất viết về Người.
Giai điệu và ca từ mở đầu bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch được nhạc sĩ Văn Cao lấy cảm hứng từ một khoảnh khắc không thể nào quên: Hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945.
Khi ấy, nhạc sĩ Văn Cao đứng ngay dưới lễ đài, trong vai trò thành viên Việt Minh, hòa cùng hàng vạn đồng bào cả nước lắng nghe giọng đọc trầm ấm, dõng dạc của Người vang lên giữa trời thu lịch sử.
Ông Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao - chia sẻ rằng, trong bài hát này, cha ông đã viết hoa chữ "Người" mỗi khi nhắc đến Bác.
Từ đó, cách gọi "Người" đã lan tỏa, trở thành danh xưng thiêng liêng, đầy kính trọng mà nhân dân dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nói đến Người là nói về Bác, cách gọi ấy vừa thể hiện sự tôn kính tuyệt đối, vừa nói lên sự gần gũi và yêu thương mà nhân dân luôn dành cho vị lãnh tụ vĩ đại - người cha già của dân tộc.

Khán giả chăm chú theo dõi, hòa mình vào không gian âm nhạc "Người là niềm tin tất thắng". Chương trình do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện, được phát sóng trực tiếp trên kênh H1 và các nền tảng số của Đài, cùng nhiều cơ quan truyền thông trên cả nước (Ảnh: Ban tổ chức).
Một trong những phóng sự gây xúc động và tự hào đặc biệt trong chương trình là Ballad Hồ Chí Minh, kể lại một khoảnh khắc lịch sử ít người biết đến, diễn ra vào đúng đêm 7/5/1954, khi chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội làm chấn động toàn thế giới.
Tại Câu lạc bộ Lao động ở miền Nam London (Anh), nhạc sĩ Ewan MacColl - cây guitar nổi tiếng với dòng nhạc dân gian Saxon - đã bước lên sân khấu, ôm đàn và cất lên Ballad of Ho Chi Minh.
Tác phẩm là lời ca ngợi vị lãnh tụ Việt Nam, một bản ballad mộc mạc nhưng đầy xúc cảm, vang lên giữa lòng châu Âu xa xôi trong giây phút thiêng liêng của dân tộc Việt. Khi MacColl hát xong một đoạn, lập tức khán giả phía dưới gồm những thủy thủ, công nhân, sinh viên, binh sĩ và cả một số nghị sĩ Quốc hội Anh cùng nhau hô vang: "Hồ Chí Minh!".
Ballad of Ho Chi Minh không dừng lại ở một sân khấu nhỏ, ca khúc nhanh chóng lan tỏa khắp châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latinh, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành biểu tượng nghệ thuật về hình ảnh Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, biểu tượng toàn cầu về tự do và phẩm giá con người.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/nsnd-phuong-thao-hat-ve-bac-toi-hat-bang-ca-trai-tim-20250520110518807.htm
Bình luận (0)