Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ, NSND Thanh Điền đã có buổi chia sẻ thú vị cùng Thanh Niên.
Theo ông, lý do gì mà các đạo diễn đã mời ông vào vai Bác trong khi trước đó ông đã "đóng đinh" trong lòng khán giả với vai quan huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến - một nhân vật phản diện?
Có lẽ đầu tiên là tại tôi khá giống Bác. Mọi người nói gương mặt tôi cứ gắn râu vô là giống Bác liền. Giống Bác ở giai đoạn trong chiến khu, cao cao gầy gầy. Và điều quan trọng, chắc là các đạo diễn tin vào diễn xuất của tôi, không bị ảnh hưởng bởi nhân vật quan huyện. Nghệ sĩ chúng tôi cố gắng thể hiện nhiều loại vai, tất nhiên cũng có vai sở trường, nhưng nếu có cơ hội thay đổi thì cứ thử, cứ nỗ lực. Vả lại tôi cũng từng đóng chính diện, đâu có ngại gì.
NSND Thanh Điền vai Bác Hồ trong vở Đêm trắng
ẢNH: NS CUNG CẤP
Ông có nhớ mình đã mấy lần đóng vai Bác Hồ không?
Đầu tiên tôi đóng trong vở cải lương Đêm trắng của đoàn Sài Gòn 1, lúc đó tôi còn làm trưởng đoàn. Nội dung là Bác xử vụ án tham ô quân nhu của cán bộ Hoàng Trọng Vinh, người mà Bác từng đề nghị kết nạp Đảng, đưa vào chiến khu, rồi khen ngợi, đề bạt. Nhưng ông Vinh đã ăn cắp quân nhu, để binh lính đói rét nơi sa trường, còn đám cưới của con ông thì lông gà vịt trôi đầy cả sông, một hình ảnh nói lên sự tương phản, gây bất nhẫn với mọi người. Bác đã dằn vặt, trăn trở và thức trắng đêm trước khi hạ bút ký án tử hình Hoàng Trọng Vinh. Tôi phải diễn những chi tiết tâm lý tinh tế, tình lý cân phân, làm sao cho khán giả thấy được nỗi lòng của Bác luôn thương yêu những người lính của mình đồng thời vẫn giữ trung hiếu với dân.
NSND Thanh Điền vai Bác Hồ, NS Chánh Trực vai chủ tịch xã trong vở Dấu xưa
ẢNH: NS CUNG CẤP
Vở Dấu xưa của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B thì có nội dung chống xa hoa, lãng phí. Một địa phương tổ chức linh đình đón Bác về khai trương công trình thủy lợi, mà đợi mãi không thấy Bác. Hóa ra Bác đã đến sớm và xuống thẳng công trình cùng đào đất với dân. Đưa xe mới và xịn đón Bác, Bác cũng không chịu đi, nói để dành đón khách nước ngoài, xe cũ còn dùng được thì Bác đi xe cũ. Bác sống gần dân, lao động với dân, nên tôi phải diễn chân thật, hóa trang nhẹ màu vì diễn phục vụ nhìn ban ngày dễ bị lộ. Trong gần 10 năm trời, Sở VH-TT cho kinh phí đi diễn phục vụ đến gần 80 suất vì khán giả thích quá.
Ngoài ra tôi còn diễn vai Bác cho nhiều hoạt cảnh của nghệ sĩ Linh Huyền, nội dung nói về cây vú sữa miền Nam, về em bé miền Nam được gặp Bác, hoặc hoạt cảnh của Sở VH-TT mỗi dịp lễ, tết, trong đó có vai Bác ở Pắc Bó. Có lần tôi diễn tại Tao Đàn, Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) chung với nghệ sĩ Quốc Thảo trong một hoạt cảnh, do Hoa Hạ đạo diễn, Thảo đóng vai Bác Tôn, xem xong nhiều khán giả tấm tắc "giống y chang". Nhiều lắm…
Kỷ niệm nào khi đóng vai Bác làm ông nhớ nhất?
Đêm trắng là vở cải lương đầu tiên của toàn miền Nam nói về Bác, và tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc tại Nghệ An. Lần đó có đến 7 vở có nhân vật Bác Hồ, riêng Đêm trắng thì ngoài đoàn Sài Gòn 1 còn thêm một đoàn nữa dựng. Nhưng cuối liên hoan thì mọi người đều công nhận tôi giống Bác nhất. Và tôi tự hóa trang luôn đó. Nghệ sĩ Xuân Chính là chuyên gia hóa trang cực giỏi, đã thiết kế một tấm lưới gắn sẵn râu mua tại Ba Lan mấy triệu đồng thời đó, tôi dùng keo gắn vô cho nhanh. Phần còn lại thì tôi tự làm mà rất giống.
Vở Dấu xưa biểu diễn phục vụ các trường học
ẢNH: NSCC
Có lần vở Dấu xưa diễn xong ở TP.HCM, một ông đại tá mặc quân phục nghiêm chỉnh lên ôm tôi mà khóc, nói tôi giống Bác vô cùng. Ông ấy từng thân cận Bác trong thời gian dài.
Lần diễn với Quốc Thảo, chúng tôi lái xe hơi đi, tới Hàng Xanh thì bị công an thổi lại. Nhưng vừa kéo kính xe xuống thì anh công an vội nói: "Bác ơi, con xin lỗi Bác". Thì ra tại tôi và Thảo hóa trang xong mới đi nên anh công an thấy giống quá!
Khi diễn xong các đơn vị thường làm tiệc bồi dưỡng nghệ sĩ, nhưng tôi luôn từ chối. Bởi hóa trang công phu nên không dễ tẩy nhanh, mà tôi không muốn mang nguyên gương mặt "của Bác" ngồi nhậu, sợ làm mất hình tượng. Thà đi về nhà sớm, tẩy trang, rồi ăn mì gói cũng được.
Ắt hẳn ông phải tập luyện rất công phu cho nhân vật này?
Tôi luôn rất lo lắng khi được giao vai Bác Hồ. Trước tiên tôi nhờ anh Văn Thơm đi tìm phim tư liệu cho tôi xem để nắm rõ từng nét của Bác. Rồi tôi tập mỗi ngày mỗi giờ, chứ không chỉ tập lúc lên sàn diễn. Trong sinh hoạt hằng ngày, tôi tập nét ăn cơm, nét đi, đứng, giọng nói, khi họp đoàn Sài Gòn 1 tôi cũng tập y như Bác khi họp, ngón tay chỉ ra sao… Tôi không biết hút thuốc nhưng phải tập hút thuốc, đúng loại thuốc Bác hay dùng.
Nhưng nói thiệt, nhờ vai này mà tôi sống chuẩn mực hơn, tự nhiên mình vô nền nếp, cẩn thận từng nụ cười, câu nói. Vai diễn cũng có hiệu quả giáo dục đối với nghệ sĩ.
Xin cảm ơn ông.
Chiếu miễn phí 3 phim truyện đặc sắc về Bác Hồ
Diễn viên Mạnh Trường trong vai Thầu Chín phim Thầu Chín ở Xiêm
Ảnh: Tư liệu
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025), từ ngày 19 - 21.5, Viện phim VN giới thiệu 3 tác phẩm điện ảnh tiêu biểu khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn lịch sử, tại rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội). Các suất chiếu hoàn toàn miễn phí. Trong đó, Hẹn gặp lại Sài Gòn là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh VN về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đạo diễn Long Vân thực hiện, kịch bản của nhà văn Sơn Tùng. Phim ra mắt năm 1990, tái hiện giai đoạn từ năm 1895 - 1911, khi Nguyễn Tất Thành sống cùng gia đình ở Huế rồi vào Phan Thiết dạy học và sau đó đến Sài Gòn chuẩn bị hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Bộ phim thứ hai được giới thiệu dịp này là Hà Nội mùa đông năm 46, ra mắt năm 1997. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã chọn tái hiện giai đoạn căng thẳng cuối năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những quyết sách mang tính sống còn trước khi toàn quốc kháng chiến. Phim thứ ba là Thầu Chín ở Xiêm (2015) do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện, kể về cuộc sống và hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Thái Lan giai đoạn 1928-1929, dưới bí danh Thầu Chín. Thu Thủy
Nguồn: https://thanhnien.vn/nsnd-thanh-dien-va-ky-niem-sau-sac-voi-vai-bac-ho-185250517204711974.htm
Bình luận (0)