Chung kết cuộc thi Thử thách sáng tạo kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Innovation Challenge - VBIC) 2025 dành cho học sinh phổ thông vừa diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 250 đội thi đến từ 11 quốc gia gồm: Việt Nam, Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Qatar, Israel...
Các thí sinh trải qua 2 vòng đấu loại và chỉ có 10 đội xuất sắc nhất lọt vào chung kết.
Đề bài của trận chung kết là giải bài toán kinh doanh có thật của một doanh nghiệp sữa nổi tiếng tại Việt Nam.
Thương hiệu sữa này đang tìm kiếm một chiến lược toàn diện nhằm tăng cường mức độ nhận diện và sức hấp dẫn của dòng sản phẩm mới với nhóm khách hàng Gen Z (15-25 tuổi).
Thí sinh được yêu cầu đề xuất các giải pháp bao gồm: Chiến lược thương hiệu, kênh tiếp thị và dịch vụ đi kèm.
Toàn bộ phần thi diễn ra bằng tiếng Anh trước các giám khảo là những chuyên gia hàng đầu về kinh doanh - tiếp thị, nhà sáng lập, chủ tịch hội đồng quản trị, quản lý cao cấp của nhiều doanh nghiệp.
Đó là một trở ngại lớn với những thí sinh không học trường quốc tế như 3 học sinh lớp 11A1 - Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk.
Nguyễn Lê Bảo Thy, Hồ Hoàng Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Tú Trinh đến từ lớp 11A1 Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, giành giải ba chung cuộc (Ảnh: Hoàng Hồng).
Nguyễn Lê Bảo Thy, Hồ Hoàng Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Tú Trinh cũng không học chuyên Anh mà chỉ học lớp cận chuyên. Phần trình bày của 3 em có phần thiếu sinh động bởi năng lực tiếng Anh hạn chế, nhất là khi đặt cạnh các thí sinh đến từ trường quốc tế, sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
Tuy nhiên, với ý tưởng khác biệt và có tính khả thi cao, 3 nữ sinh vẫn vượt qua hơn 200 đội thi để giành giải ba chung cuộc.
Đội thi đến từ Đắk Lắk thể hiện sự đầu tư nghiêm túc trong việc tìm hiểu hành vi, nhu cầu của khách hàng Gen Z.
"Chúng em chia Gen Z thành hai nhóm, tạm gọi là nhóm Gen Z "già" sinh năm 1995-2008 và nhóm Gen Z "trẻ" sinh năm 2009-2013.
Tuy có khoảng cách rộng về độ tuổi và sự khác biệt trong năng lực tài chính - một nhóm gồm những người đã đi làm hoặc có tiền tiêu vặt và một nhóm đang sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, nhưng cả hai nhóm đều có những điểm chung trong tư duy và lối sống.
Từ đó, chúng em tìm giải pháp có thể tạo ra xu hướng, tác động trực diện vào tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) để người trẻ biết đến sản phẩm nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất", Nguyễn Lê Bảo Thy chia sẻ.
Ý tưởng của nhóm nữ sinh là thay đổi bao bì của hộp sữa bằng hình ảnh các trang phục truyền thống của 4 dân tộc Việt Nam kèm thông điệp "Vì sữa mặc hồn dân tộc".
Bên cạnh đó là một mã QR có tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR). Khi quét mã, công nghệ VR sẽ giúp khách hàng được mặc thử trang phục dân tộc sống động như thật, phục vụ sở thích chụp hình "sống ảo".
Mỗi mã QR cũng sẽ kể một câu chuyện của dân tộc đó.
Trên mỗi lốc sữa sẽ chỉ có một mã QR tương ứng với một loại trang phục dân tộc mà khách hàng sẽ không biết đó là trang phục gì cho đến khi quét mã.
Muốn mặc nhiều loại trang phục khác nhau, khách hàng sẽ phải mua nhiều lốc sữa khác nhau. Điều này sẽ thúc đẩy việc mua sữa để sưu tầm đủ trang phục của 54 dân tộc Việt Nam.
Chiêu thức bán hàng này được nhóm thí sinh lấy ý tưởng từ trào lưu "xé túi mù" hay đồ chơi thú nhồi bông "Baby three" nổi tiếng gần đây.
Ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng độc đáo của nhóm cũng như tính khả thi. Với giải ba, 3 nữ sinh được nhận học bổng 40% cho 4 năm chương trình cử nhân tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, tương đương hơn 2 tỷ đồng.
Giành giải nhất chung cuộc là đội thi Jesko Absolute gồm 3 thí sinh: Trần Kim Ngân - Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đinh Vũ Minh Tuấn và Đỗ Nhật Minh - Trường Vinschool The Harmony.
Đội thi đưa ra ý tưởng về một chiến dịch truyền thông 3 giai đoạn với thông điệp chính là kết nối cảm xúc, gắn liền với chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thế hệ GenZ.
Giành giải ba là ý tưởng về xe bán sữa lưu động và máy bán sữa tươi tự động - nơi Gen Z sẽ mang bình nước cá nhân đi mua sữa - của 3 thí sinh: Nguyễn Hoàng Hải An - Trường PTLC Olympia, Đỗ Phan Trường An và Phạm Nguyễn Hoàng Lan - Trường Dewey.
Nguyễn Hoàng Hải An - Trường PTLC Olympia, Đỗ Phan Trường An và Phạm Nguyễn Hoàng Lan - Trường Dewey - giành giải nhất cuộc thi với ý tưởng kết nối cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tinh thần GenZ (Ảnh: BTC).
Giải thưởng dành cho mỗi đội lần lượt là học bổng 60% và 50% cho 4 năm học tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Cuộc thi Thử thách sáng tạo kinh doanh Việt Nam do Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Trường PTLC Olympia phối hợp tổ chức. Đây là sân chơi yêu thích dành cho học sinh 14-18 tuổi đam mê kinh doanh, khởi nghiệp.
Với chủ đề "Kiến tạo từ truyền thống", cuộc thi thách thức thế hệ trẻ tái định hình giá trị kinh doanh truyền thống qua tư duy sáng tạo và đổi mới.
Dựa trên nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, kết hợp cách tiếp cận đa ngành và giải quyết vấn đề thực tế, cuộc thi đem đến các thử thách kinh doanh sát với thực tiễn, khuyến khích học sinh hợp tác để tìm ra giải pháp.
Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-sinh-dak-lak-gianh-hoc-bong-tien-ty-nho-y-tuong-ban-sua-co-mot-khong-hai-20250419213628574.htm
Bình luận (0)