Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ y tá thời chiến & câu chuyện sát cánh cùng thương binh

TTH.VN - Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Thị Thu Hạnh – một nữ y tá kiên cường, đã âm thầm cống hiến, chăm sóc và góp phần cứu chữa hàng trăm thương binh giữa bom đạn khốc liệt. Bà không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người lính mà còn là minh chứng sống động cho ý chí và nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.

Báo Thừa Thiên HuếBáo Thừa Thiên Huế27/03/2025




Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Thị Thu Hạnh 

Cô bé giao liên sống trong lửa đạn

Huế những năm 1950, chiến tranh len lỏi vào từng con ngõ, từng mái nhà rêu phong; dưới hàng cây xanh rợp bóng bên dòng Hương, đôi khi lại vang lên tiếng súng, tiếng bom từ xa vọng về...

Bà Lê Thị Thu Hạnh chào đời năm 1951, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế (nay là xã Phong Chương, TX. Phong Điền, TP. Huế). 

Tuổi thơ của bà không phải là những tháng ngày vô tư chạy nhảy trên đồng ruộng hay nô đùa cùng bạn bè, mà là những buổi chiều trốn trong hầm tránh bom, những đêm nằm co ro nghe tiếng đại bác gầm rú từ xa.

"Tôi biết chiến tranh từ lúc vừa mới chào đời. Mỗi ngày trôi qua, tôi thường hỏi người thân: Đêm nay, địch có càn quét không?”, bà Lê Thị Thu Hạnh mở đầu câu chuyện.

Bố mẹ bà là cán bộ cách mạng, hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm. Đến năm 1954, họ tập kết ra Bắc, cô bé Thu Hạnh sống cùng ông nội.

"Tôi không có nhiều ký ức về cha mẹ trong thời thơ ấu, ngoại trừ những bức thư hiếm hoi từ miền Bắc gửi về…”, bà Hạnh trầm tư.

Xã Phong Chương, nơi bà sinh sống là một trong những vùng căn cứ địa quan trọng của cách mạng. Những cuộc càn quét diễn ra như cơm bữa. Trẻ con trong làng lớn lên không phải bằng những câu chuyện cổ tích, mà là câu chuyện về cách trốn lính, cách nhận diện, chỉ điểm.

Như bao đứa trẻ khác, cứ nhá nhem tối, người thân lại giục Thu Hạnh chạy xuống hầm, ngồi co ro tránh đạn. “Có lần, lính Mỹ bất ngờ càn vào làng, lục soát từng nhà một. Ông nội giấu tôi vào một chiếc chum lớn, đậy kín nắp lại. Tim đập thình thịch. Tôi nghe rõ tiếng báng súng đập vào bàn ghế cùng tiếng quát tháo", bà Hạnh hồi tưởng.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, từ nhỏ, bà đã được ông nội dạy cách quan sát, cách lắng nghe và cả cách giữ bí mật. 13 tuổi, bà bắt đầu nhận những nhiệm vụ đầu tiên: Làm giao liên, đưa tin tức giữa các cơ sở cách mạng.

 Bà Lê Thị Thu Hạnh thời điểm năm 1975. Ảnh: NVCC

Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng vô cùng nguy hiểm. Bà giả làm người đi bán hàng rong, đội nón lá, che mặt, trong tay cầm một ít bánh hoặc mớ rau cùng những tờ giấy nhỏ, cuộn tròn lẫn khuất bên trong.

Có lần, trên đường đi giao tin, bà bị lính Mỹ chặn lại. Một tên lính cao lớn cúi xuống, nhìn chằm chằm hỏi: Con bé này đi đâu mà vội thế? - "Dạ, con đi bán rau cho mẹ!". Tên lính cười khẩy, giơ tay nhấc chiếc nón lá trên đầu bà lên như để tìm kiếm điều gì đó.

Bà Hạnh nói: “Lúc đó, tôi chỉ biết cầu trời. Nếu hắn tìm ra những mẩu giấy được giấu dưới bó rau, cô chắc chắn không còn cơ hội sống sót”.

Trong quá trình làm nhiệm vụ giao liên, không ít lần cô bé 13 tuổi chứng kiến hình ảnh đau thương. Cô từng thấy cảnh lính Mỹ hành quyết một người dân vì nghi ngờ là cơ sở cách mạng. 

Đứng từ xa, Thu Hạnh thấy ông lão quỳ gối, mắt nhắm nghiền, miệng mấp máy như cầu nguyện. Khi tiếng súng vang lên, cô quay mặt đi, nhưng trong lòng thề rằng, nếu là mình sẽ không bao giờ khuất phục…

Sát cánh cùng thương binh

Chính những ký ức tuổi thơ đầy mất mát  đã hun đúc trong bà Lê Thị Thu Hạnh một tinh thần thép.

"Tôi từng nghĩ, nếu không cầm súng, thì phải làm một điều gì đó để góp phần vào cuộc chiến này", bà Hạnh bộc bạch.

Bà Hạnh còn nhớ như in ngày được giao nhiệm vụ mới: Trở thành y tá chiến trường, thuộc Đội Điều trị 82 đóng dọc tuyến đèo Tà Lương trên đường lên huyện A Lưới. Khi ấy, bà mới 17 tuổi. Một cô gái nhỏ nhắn với đôi mắt sáng, đôi tay còn vụng về, chưa hề nghĩ mình sẽ có ngày cầm dao mổ, băng bó những vết thương rỉ máu giữa chiến trường. Trước đó, 15 tuổi, bà Lê Thị Thu Hạnh tham gia phong trào thanh niên xung phong với nhiệm vụ gùi đạn...

“Tôi không được học y khoa bài bản, chỉ được hướng dẫn sơ qua cách cầm máu, băng bó vết thương. Nhưng khi chứng kiến đồng đội đau đớn, tôi hiểu rằng, mình không chỉ cần một đôi tay, mà còn cần một trái tim mạnh mẽ để vượt qua nỗi sợ hãi”, bà Hạnh chia sẻ.

“Bệnh viện dã chiến”, nơi bà công tác nằm sâu trong cánh rừng ở vùng chiến khu. Đó không phải là một bệnh viện đúng nghĩa, mà chỉ là những lán trại dựng tạm bằng tre, lá cọ. Để đảm bảo an toàn, bà và các y tá khác phải đào những căn hầm sâu dưới lòng đất tránh máy bay địch. Những lúc mưa to, nước tràn vào hầm…

Nhiệm vụ chính của bà Hạnh là băng bó vết thương, tiếp tế thuốc men, chăm sóc thương binh. Nhưng không ít lần, bà phải lao vào những ca phẫu thuật khẩn cấp khi bác sĩ thiếu người hỗ trợ.

 Những bức thư của đồng đội gửi tới bà Hạnh để bày tỏ lòng cảm ơn, trao đổi tâm tư, hoài bão trong những năm tháng chiến tranh. . Ảnh: NVCC

Bà Hạnh còn nhớ, vào đêm mưa năm 1969, một chiến sĩ bị trúng pháo, mảnh đạn găm sâu vào bụng, máu chảy không ngừng. Bác sĩ gọi bà phụ mổ. Lúc đầu, tay bà run run, nhưng khi nghe anh ấy rên đau, bà biết mình không thể sợ hãi. “Tôi giữ chặt vết thương, lau mồ hôi cho bác sĩ, cứ thế làm việc suốt 3 giờ đồng hồ", bà Hạnh kể.

Ca mổ thành công, nhưng thương binh vẫn sốt cao. Trong suốt một tuần sau đó, bà gần như không ngủ, luôn túc trực bên anh, đút từng thìa nước, từng miếng cháo.

"Ngày anh ấy tỉnh lại, tôi mừng rơi nước mắt. Anh ấy nắm tay, nói: Chắc tôi còn sống là nhờ cô. Tôi cười, nhưng trong lòng vẫn xót xa, vì biết anh ấy sẽ không thể ra chiến trường thêm lần nào nữa", bà Hạnh nói.

Chiến tranh không chỉ là bom đạn, mà còn là những cuộc chiến đấu với đói khát, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề. Những thương binh nặng, nếu không có thuốc, sẽ chỉ còn cách chờ chết. Có những ngày, bác sĩ phải tiến hành cắt bỏ chân tay thương binh mà không có thuốc gây mê, bệnh nhân chỉ cắn răng chịu đựng, máu loang đỏ nền đất.

"Tôi từng chứng kiến một anh bộ đội bị hoại tử chân, buộc phải cắt bỏ mà không có thuốc giảm đau. Anh ấy cắn chặt miệng, không rên la. Lúc đó, tôi như nghẹt thở, vừa cầm tay anh ấy, vừa cố kìm nước mắt", bà Hạnh tâm sự.

Những năm tháng chiến tranh, cái chết trở thành điều quá đỗi quen thuộc. Nhiều thời điểm, bà Hạnh vừa băng bó cho một thương binh buổi sáng, đến chiều đã thấy tên anh ấy có trong danh sách hy sinh. Và, không ít lần bà tự vấn bản thân: Liệu mình có còn sống để thấy ngày đất nước hòa bình? Nhưng rồi, khi nhìn vào những con người đang chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, bà lại hiểu rằng, mình không được phép gục ngã.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Thị Thu Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo quận Phú Xuân nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng Huế

Thời khắc giải phóng Huế và những giọt nước mắt hạnh phúc

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, không khí chiến tranh bao trùm khắp miền Trung. Tin tức về những chiến thắng vang dội ở Tây Nguyên, Quảng Trị làm dấy lên hy vọng về ngày hòa bình đã đến rất gần. Ở Huế, các trận đánh ác liệt diễn ra trên mọi mặt trận, từ ngoại ô đến nội thành.

Lúc bấy giờ, bà Lê Thị Thu Hạnh vẫn đang túc trực tại bệnh viện dã chiến nằm sâu trong cánh rừng trên tuyến đường 74. Mỗi ngày, bà cùng đồng đội cấp cứu hàng chục thương binh. Cả khu trạm xá chật kín những người bị thương từ chiến trường gửi về. Nhiều ca quá nặng, không thể cứu được, bà chỉ còn biết nắm chặt tay họ, nghe những lời trăn trối cuối cùng giữa tiếng bom rền vang trời.

"Những ngày đó, tôi không còn biết đến khái niệm mệt mỏi hay đói khát. Cả đội y tá làm việc không ngừng nghỉ, thay băng, tiêm thuốc, động viên thương binh. Tôi nhớ có một chiến sĩ trẻ bị thương rất nặng, mất gần hết máu. Trước khi ra đi, anh ấy cố nắm lấy tay tôi, thều thào: Huế sắp giải phóng chưa chị?. Tôi nghẹn lời, chỉ biết siết chặt tay anh ấy, rồi quay mặt đi lau nước mắt", bà Hạnh tâm sự.

Rạng sáng ngày 26/3/1975, tin tức vang lên từ bộ chỉ huy: Huế đã hoàn toàn giải phóng. Tin chiến thắng lan nhanh như một cơn gió, thổi bùng lên ngọn lửa hi vọng trong lòng tất cả những người còn đang chiến đấu, những thương binh đang nằm lại trong trạm xá.

"Lúc ấy, tôi đang thay băng cho một chiến sĩ thì nghe thấy tiếng reo hò từ phía xa. Có người chạy vào hầm, hét lên: Huế giải phóng rồi! Tôi khựng lại, hai tay run run, cây kéo băng rơi xuống đất. Tôi không tin vào tai mình, nhưng biết rằng, đó không phải là giấc mơ. Và đến hôm nay, 50 năm sau, cứ đến ngày 26/3, tôi lại thương nhớ về những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc", bà Hạnh nói.


Ngày 15 tháng 1 năm 1976, bà Lê Thị Thu Hạnh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Khi được tuyên dương Anh hùng, bà là trung sĩ, y tá thuộc Đội Điều trị 82 Cục Hậu cần Quân khu Trị - Thiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quá trình công tác, bà Lê Thị Thu Hạnh được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 2 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, 2 lần là Dũng sĩ Quyết thắng và được tặng nhiều bằng khen. Hiện nay, bà đang sinh sống tại phường Tây Lộc, quận Phú Xuân, thành phố Huế.

Lê Thọ


Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/nu-y-ta-thoi-chien-cau-chuyen-sat-canh-cung-thuong-binh-152019.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm