Con rắn được phát hiện khi hành khách đang lên máy bay Virgin Australia chuyến VA337 tại Sân bay Melbourne (Australia), hướng tới Brisbane (Australia).
Theo lời của chuyên gia bắt rắn Mark Pelley, đó là một con rắn cây màu xanh, không có độc, dài khoảng 60cm. Anh cho biết, hầu hết các loài rắn có nọc độc nhất trên thế giới đều có nguồn gốc từ Australia.
Lúc tiếp cận nó trong buồng tối, Pelley đã nghĩ rằng nó có thể là loài có nọc độc. "Chỉ sau khi tôi bắt được con rắn, tôi mới nhận ra rằng nó không độc. Chứ ban đầu, nhìn nó vẫn trông rất nguy hiểm", Pelley nói.

Mark Pelley đang cầm một con rắn cây xanh (Ảnh: CBS News).
Anh kể lại, khi anh bước vào buồng hàng, con rắn đang ẩn nấp một phần sau một tấm bảng và nó có khả năng trốn sâu hơn vào máy bay. Vị chuyên gia nói với các kỹ sư máy bay và nhân viên hãng rằng họ sẽ phải sơ tán máy bay nếu con rắn biến mất bên trong.
"Tôi đã nói với họ rằng nếu tôi không bắt được nó trong một lần, nó sẽ lẻn qua các tấm bảng và các bạn sẽ phải sơ tán máy bay, vì lúc đó tôi chưa thể biết nó là loại rắn nào, có độc hay không", Pelley nói.
May mắn, Pelley bắt được con rắn ngay từ lần đầu tiên, anh cũng "nửa đùa nửa thật" rằng nếu không bắt được con rắn, có thể các kỹ sư sẽ phải "tháo rời một chiếc máy bay để tìm con rắn".
Pelley cho biết anh đã phải lái xe 30 phút đến sân bay, sau đó anh bị chậm trễ do khâu kiểm tra an ninh, trước khi anh kịp lên máy bay. Một quan chức của hãng hàng không cho biết chuyến bay bị hoãn khoảng 2 giờ vì con rắn này.
Vì con rắn có nguồn gốc từ vùng Brisbane, nên Pelley nghi ngờ nó đã được đưa lên máy bay bên trong hành lý của một hành khách và trốn thoát trong chuyến bay 2 giờ từ Brisbane đến Melbourne.
Vì lý do cách ly, con rắn không thể được thả trở lại với thiên nhiên. Loài rắn này được bảo vệ theo quy định, đã được giao cho một bác sĩ thú y tại Melbourne để tìm và giao lại cho một người nuôi rắn có giấy phép.
Theo Bộ Sinh học tại Đại học Lamar (Mỹ), loài rắn cây màu xanh có thể sống ở bất cứ nơi nào có bụi cây ấm áp. Chúng ăn ếch, thằn lằn, chim nhỏ và trứng.
Rắn từng xuất hiện trên các chuyến bay của Australia trước đây. Vào năm 2013, hành khách của hãng bay Qantas Airways đã kinh ngạc khi nhìn ra cửa sổ và thấy một con trăn lớn bám chặt vào cánh máy bay trong chuyến bay 2 giờ từ thành phố Cairns ở đông bắc Australia đến Papua New Guinea (Quốc gia ở Châu Đại Dương).
Rắn cũng đã được phát hiện trên các chuyến bay chở khách ở các quốc gia khác. Năm 2022, một con rắn đã được phát hiện trên chuyến bay chở khách của United Airlines (hãng hàng không của Mỹ) từ Florida (Mỹ) đến New Jersey (Mỹ).
Con rắn không độc này đã được nhân viên sân bay lấy ra khỏi máy bay sau khi chuyến bay hạ cánh tại Newark (một thành phố ở New Jersey).
Cùng năm đó, một chuyến bay của AirAsia đã buộc phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp sau khi một con rắn được nhìn thấy lượn qua các đèn treo trên trần máy bay.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/phat-hien-ran-trong-khoang-hanh-ly-may-bay-cho-khach-bi-hoan-2-gio-20250704132410239.htm
Bình luận (0)