Hoàng thành Thăng Long. Ảnh minh họa: TTXVN
Với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia; đặc biệt, Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới…, Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là “bào tàng sống” của lịch sử và văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, áp lực phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn cũng đặt ra nhiều thách thức. Không ít di tích xuống cấp, thiếu kinh phí tu bổ, hoặc chưa được khai thác hiệu quả phục vụ du lịch và giáo dục truyền thống. Thậm chí có nơi, di tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, làm mai một giá trị văn hóa vốn có.
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa trong việc định hình bản sắc đô thị và phát triển bền vững, HĐND thành phố Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn. Đây là động thái quyết liệt và kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý, cũng như căn cứ cụ thể để ưu tiên đầu tư, phân bổ ngân sách, quản lý và bảo vệ hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô.
Nghị quyết không chỉ khẳng định quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc bảo tồn di sản, mà còn thể hiện cách tiếp cận mới - xem di sản là nguồn lực để phát triển. Việc lựa chọn các di tích, công trình tiêu biểu để tập trung nguồn lực đầu tư sẽ giúp khơi thông tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Theo nghị quyết, Danh mục Di sản văn hóa vật thể gồm: Danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý; di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt; các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia; các di tích đã được xếp hạng cấp thành phố; di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng; danh mục địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; danh mục bảo vật Quốc gia đã được công nhận; và một làng cổ.
Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể gồm: Danh mục di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh; các di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; các làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội.
Nghị quyết cũng ban hành Danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử; Danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 và Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc đáng chú ý.
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tu bổ di tích; đẩy mạnh số hóa tư liệu; tổ chức các hoạt động sáng tạo gắn với không gian di sản như tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống tại nhà hát Múa rối Thăng Long; Di tích nhà tù Hỏa Lò... Những mô hình này không chỉ tạo sức sống mới cho di sản, mà còn giúp lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai, thực hiện việc số hóa di sản; qua đó góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn, đồng thời giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Với định hướng phát triển, trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang từng bước chuyển hóa di sản thành động lực phát triển - vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa thúc đẩy kinh tế, gắn di sản với đời sống đương đại.
Tuy nhiên, để việc thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả thiết thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các nhà chuyên môn, nghệ nhân, doanh nghiệp và người dân. Bảo vệ di sản không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ khi người dân thực sự thấy mình là chủ nhân và là người gìn giữ di sản, những giá trị ấy mới có thể sống mãi với thời gian.
Gìn giữ di tích, di sản chính là giữ lấy hồn cốt Thăng Long - Hà Nội. Nghị quyết mới của thành phố là bước đi cần thiết để biến cam kết thành hành động, đưa di sản trở thành trụ cột của phát triển văn hóa và bản sắc đô thị trong tương lai.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-gia-tri-di-tich-di-san-giup-gin-giu-hon-cot-thu-do-a420465.html
Bình luận (0)