Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của đất nước, văn hóa đóng vai trò không thể thay thế trong việc định hình bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc; hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc với những giá trị cao đẹp, bền vững.
Khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, Ðảng ta luôn coi trọngvà hết sức quan tâm đến công tác văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Qua các thời kỳ, nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lấy nhân dân là chủ thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, lấy đội ngũ trí thức giữ vai trò trọng tâm.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Công tác xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, đơn vị đạt chuẩn văn hóa được đẩy mạnh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng con người phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật. Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh đạt trên 93%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 95%.
Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa dần đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của nhân dân. Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân khu vực nông thôn, miền núi và công nhân các khu công nghiệp; phát triển các loại hình câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong nhân dân.
Cùng với đó, hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia; các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư; các di sản văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị… Qua đó góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, định hướng người dân hướng tới các giá trị văn hóa lành mạnh, bổ ích; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa khu vực thành thị, nông thôn và miền núi.
Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, sức mạnh nội sinh từ văn hóa chính là động lực quan trọng để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ là yêu cầu cấp thiết để gìn giữ "hồn cốt" dân tộc mà còn là mục tiêu, động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa; xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; chủ động giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, từng bước xây dựng nền công nghiệp văn hóa…
Với những định hướng phát triển rõ ràng, Vĩnh Phúc quyết tâm đạt được những thành tựu mới trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát huy tối đa nguồn lực văn hóa cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128749/Phat-huy-suc-manh-cua-van-hoa-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc
Bình luận (0)