Chiều 16-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức tọa đàm "50 năm văn học, nghệ thuật TP HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai".
Tự hào từ những dấu son rực rỡ
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM - cho biết tọa đàm được tổ chức với mục đích tiếp tục trao đổi, lắng nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ góp ý, đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả việc xây dựng, phát triển văn học - nghệ thuật TP HCM trong thời gian tới.
Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 86 tham luận, qua thẩm định đã thống nhất chọn 65 tham luận để biên tập kỷ yếu. Nội dung các tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau đối với các nhóm chủ đề về thành tựu đạt được và giải pháp xây dựng, phát triển văn học - nghệ thuật TP HCM sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các văn nghệ sĩ và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP HCM tại tọa đàm “50 năm văn học, nghệ thuật TP HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, khẳng định các hoạt động văn học - nghệ thuật của TP HCM trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những yêu cầu đặt ra đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lĩnh vực âm nhạc với hàng loạt tác phẩm nổi bật như: "Mùa xuân trên TP HCM" (tác giả Xuân Hồng, sáng tác năm 1975), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà), "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách), "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Nguyễn Nhật Ánh)...; điện ảnh có những tác phẩm mà chỉ cần nhắc tên thôi đã mang đến niềm tự hào to lớn như phim "Cánh đồng hoang" (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), "Ván bài lật ngửa" (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), "Xa và gần" (đạo diễn Huy Thành), "Biệt động Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân)… TP HCM được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Toàn thành phố có 38 cụm rạp chiếu phim với trên 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả/năm.
Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, TP HCM đã nộp hồ sơ đăng ký gia nhập "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh", với kỳ vọng sẽ được công nhận là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á.
Lĩnh vực sân khấu với những tác phẩm kịch nói kinh điển, niềm tự hào của nền nghệ thuật kịch TP HCM. Những tác phẩm gắn liền với 2 thế hệ nghệ sĩ vàng như: NSND Kim Cương (vở "Lá sầu riêng"), NSND Kim Xuân (vở "Ngôi nhà không có đàn ông"), NSƯT Thành Lộc với hàng loạt vở diễn nổi tiếng. Những ai mê kịch nói TP HCM những năm 1980, 1990 chắc không thể quên Quốc Thảo và Minh Trang trong nhiều vở kịch như "Lôi vũ", "Một cuộc đời bị đánh cắp"... Nghệ thuật sân khấu cải lương những năm đầu sau giải phóng đã tạo nên một thời kỳ hoàng kim với hàng loạt vở tuồng tạo ra sự chuẩn mực cho nghệ thuật sân khấu, nhiều nghệ sĩ khẳng định tên tuổi và tài năng ca diễn.
Các lĩnh vực khác như văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, trở thành những dấu ấn quan trọng trong từng thời kỳ xây dựng và phát triển TP HCM.
Chú trọng đào tạo, không ngừng nâng chất
Các văn nghệ sĩ tham gia tọa đàm đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đánh giá cao việc làm của TP HCM trong việc thực hiện công tác này. Theo không ít các đại biểu, việc TP HCM ban hành kế hoạch thực hiện "Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao TP HCM" đã cho ra đời nhiều tài năng như: NSƯT Linh Nga (múa), Đinh Nhật Minh (âm nhạc dân tộc), Hoàng Ngọc Anh Quân (Clarinet)...
Các đơn vị nghệ thuật ở TP HCM cũng quan tâm thực hiện những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ ngoại thành và vùng nông thôn mới, các mô hình phục vụ thiếu nhi hấp dẫn, mang tính giáo dục cao; chương trình "Sân khấu học đường" phục vụ học sinh, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian, truyền thống, góp phần hiệu quả trong bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật có sự tham gia của CLB Sân khấu Lạc Long Quân thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang.
Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa ở TP HCM cũng ngày càng phát triển với những mô hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, làm sinh động thêm hoạt động văn hóa - nghệ thuật của thành phố.
Nhận thức rõ trách nhiệm
Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP HCM đã triển khai thực hiện Đề án "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP HCM đến năm 2035" nhằm góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế. Theo đó, TP HCM đã đầu tư nhiều công trình, thiết chế văn hóa trọng điểm theo hình thức đầu tư công và đối tác công - tư, nổi bật có các công trình như: Rạp Xiếc, Biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà Thiếu nhi thành phố, Bảo tàng Tôn Đức Thắng…
Tuy nhiên, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học - nghệ thuật của TP HCM vẫn còn những bất cập. Đó là, những kết quả đạt được chưa ngang tầm vị trí, vai trò, khả năng và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển; những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều; hoạt động lý luận và phê bình văn học - nghệ thuật chưa theo kịp yêu cầu hiện nay, một số tác phẩm chạy theo thị hiếu, chất lượng thấp; hiện tượng xâm hại tác quyền trên các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh và các ngành văn học - nghệ thuật khác vẫn tồn tại, chưa được khắc phục hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học - nghệ thuật vẫn còn chậm.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy của đất nước, TP HCM đứng trước sứ mệnh giữ vị trí là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của quốc gia; đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của cả nước, ông Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh: "Được sống, lao động, sáng tạo trong hòa bình, chúng ta càng phải thấy trách nhiệm của mình với đất nước, với thành phố. Từ đó không thể chỉ làm nghệ thuật vì đam mê mà phải làm nghệ thuật vì nhân sinh và trên hết phải vì Tổ quốc".
Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP HCM là nơi quy tụ một lực lượng sáng tác và biểu diễn hết sức hùng hậu, phong phú; là môi trường hoạt động nghệ thuật lớn nhất cả nước, nơi ươm mầm phát triển cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-huy-truyen-thong-tiep-noi-tuong-lai-196250416223637515.htm
Bình luận (0)