Hiệu quả các mô hình liên kết
Sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân là chìa khóa cho một nền nông nghiệp bền vững. Nhà nước đóng vai trò định hướng và hỗ trợ chính sách; doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đóng vai trò dẫn dắt thị trường và bao tiêu sản phẩm; các nhà khoa học cung cấp kiến thức, công nghệ và nông dân là trung tâm sản xuất.
Trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc hỗ trợ và liên kết chặt chẽ với nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu mía. Hiện nay, Công ty liên kết sản xuất với hơn 12.000 hộ nông dân trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên và thành phố Sơn La, với tổng diện tích vùng nguyên liệu khoảng 9.699 ha, năng suất trung bình đạt 65 tấn/ha, sản lượng mía cây ước đạt 606.000 tấn/năm.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La, cho biết: Để hỗ trợ nông dân, Công ty đã đầu tư bình quân 150 tỷ đồng/năm phát triển vùng nguyên liệu, tạm ứng trước tiền bán mía khoảng 70 tỷ đồng và hỗ trợ người trồng mía từ 30 đến 45 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả sau, giúp nông dân giảm bớt khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu; chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật.
Còn tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung cũng triển khai liên kết sản xuất ngô giống với 350- 400 hộ nông dân trên địa bàn xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn và xã Mường Chùm, huyện Mường La trên nguyên tắc 2 bên cùng có lợi. Năm 2025, Công ty tiếp tục hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam và Viện Nghiên cứu Ngô sản xuất 4 loại ngô giống gồm các giống ngô: LVN10, CS71, ngô nếp NSC9 và ngô nếp HN92 với tổng diện tích khoảng 400 ha, sản lượng dự kiến đạt 1.200 tấn.
Ông Dương Văn Cần, Giám đốc công ty, cho biết: Hàng năm, vào đầu vụ sản xuất, Công ty ký kết hợp đồng đến các hộ nông dân, Công ty cam kết nông dân tham gia sản xuất ngô giống với Công ty sẽ có thu nhập cao hơn các cây trồng khác trên địa bàn và theo phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Trong quá trình sản xuất, nông dân được Công ty hỗ trợ kỹ thuật, ứng trước vật tư phân bón; hỗ trợ tiền rút cờ, thuốc trừ sâu, vận chuyển và phân loại ngô giống khi về xưởng chế biến. Vì vậy, người nông dân rất yên tâm khi tham gia liên kết sản xuất ngô giống với Công ty.
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ở tỉnh Sơn La ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Thông qua các hợp tác xã, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp đóng vai trò bao tiêu sản phẩm, cung cấp vật tư đầu vào và hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản. Các mô hình tiêu biểu, như: Liên kết sản xuất xoài ở Thuận Châu, nhãn và rau an toàn ở Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã hay thanh long ruột đỏ xuất khẩu ở Thuận Châu đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản quốc tế.
Hỗ trợ nông dân
Việc tăng cường hỗ trợ vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đang ngày càng thể hiện vai trò là một trong những trụ cột then chốt giúp nông dân Sơn La phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững và hiệu quả. Tính đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đã đạt trên 78,5 tỷ đồng. Đặc biệt, với 23 dự án được triển khai trên toàn tỉnh, hơn 200 hộ nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, phát triển thủy sản và ngành nghề nông thôn. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về mặt tài chính, mà còn là đòn bẩy tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư vào sản xuất theo hướng hàng hóa và gắn với chuỗi giá trị.
Năm 2023, tại bản Trung tâm, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, các hội nông dân đã liên kết thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp chuyên về nuôi lợn sinh học. Chị Tòng Thị Xiên, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Trung tâm, cho biết: Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên trong chi hội đã có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đen theo hướng an toàn sinh học, đầu tư chuồng trại, con giống và thức ăn chăn nuôi. Từ 27 thành viên ban đầu với 134 con lợn giống, hiện nay mô hình đã phát triển gần 2.000 con lợn sinh sản, tạo thu nhập ổn định cho hội viên và kết nạp thêm 14 thành viên mới. Nhiều hộ sau khi đầu tư đã có thu nhập khá, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các cấp hội nông dân tích cực phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật và tư vấn sản xuất cho hội viên nông dân. Nội dung đào tạo tập trung vào những lĩnh vực thiết thực như kỹ thuật canh tác cây ăn quả, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ...
Nhờ những chương trình tập huấn bài bản, nông dân không chỉ nâng cao trình độ sản xuất, mà còn thay đổi tư duy từ canh tác truyền thống sang sản xuất hàng hóa, biết tính toán hiệu quả kinh tế và ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, nhà màng, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho nông sản.
Theo đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã trở thành một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân Sơn La. Tính đến nay, phong trào đã thu hút hơn 28.000 hộ nông dân tham gia, trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Không chỉ dừng ở việc phát triển kinh tế hộ, hơn 12.000 lao động nông thôn đã có việc làm thường xuyên từ các mô hình kinh tế này, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, hàng năm, có trên 1.000 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tận dụng vốn vay và liên kết thị trường hiệu quả.
Ông Vũ Đức Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân nâng cao nhận thức và chủ động tiếp cận các cơ hội. Hội tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Hội cũng làm tốt vai trò kết nối để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng, củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả.
Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất một cách ổn định, bền vững. Thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cấp hội nông dân trong tỉnh đang là chỗ dựa vững chắc để nông dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-ho-tro-lien-ket-nong-dan-trong-san-xuat-kinh-doanh-a3ERaZJHR.html
Bình luận (0)