Đoàn kết, đồng thuận cao
Sau gần một giờ vượt những con dốc ngoằn ngoèo bằng xe máy, chúng tôi đến bản Cát Lình, nằm cách trung tâm xã Chiềng Muôn khoảng 8 km. Bản có 53 hộ dân, gần 400 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, quần tụ bên những cánh rừng xanh bạt ngàn. Nhân dân trong bản đang quản lý, bảo vệ tốt hơn 2.000 ha rừng, nên mỗi năm được nhận nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, người dân đã sử dụng hiệu quả nguồn thu này, đầu tư xây dựng các công trình công cộng thiết yếu, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống và diện mạo nông thôn mới vùng cao.
Trong không khí phấn khởi, người dân bản Cát Lình đang khẩn trương lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời mới. Anh Hàng A Dinh, thành viên Ban quản lý bản nói: Nhiều năm nay, bản vận động bà con trích 50% tiền dịch vụ môi trường rừng đầu tư hạ tầng thiết yếu. Với sự thống nhất, quyết tâm cao, đến nay, bản đã hoàn thành 100% đường nội bản, 30% đường vào khu sản xuất, lắp đèn chiếu sáng trên các trục đường chính, xây dựng 43 nhà tiêu hợp vệ sinh và 53 hố đốt rác mini... với kinh phí hàng tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động.
Ông Hạng A Su, bản Cát Lình, cho biết: Bản đã họp nhân dân, ưu tiên xây dựng các công trình công cộng thiết yếu trước, sau đó hỗ trợ mỗi hộ 12 triệu đồng làm công trình phụ, 2 triệu đồng đổ nền bê tông và xây hố rác mini. Nhờ đó, hầu hết các hộ đã có nhà vệ sinh khép kín, nền nhà sạch sẽ và hố rác xử lý rác thải tại chỗ, bảo vệ môi trường. Nhân dân đánh giá cao sự minh bạch, rõ ràng và hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ cách làm của bản.
Không chỉ ở Cát Lình, tinh thần tự lực còn được thể hiện rõ nét tại bản Noong Quài, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc La Ha. Người dân nơi đây nhất trí sử dụng toàn bộ kinh phí thu được từ dịch vụ môi trường rừng, giao cho cộng đồng bản quản lý, để bổ sung vào quỹ bản và đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Tại bản Noong Quài, có 86 hộ gia đình với 430 nhân khẩu sinh sống, được giao quản lý, bảo vệ gần 1.000 ha rừng, chia cho 1 chủ rừng cộng đồng và 44 chủ rừng hộ. Bản thành lập 2 tổ phòng cháy chữa cháy rừng, thường xuyên kiểm tra rừng và phát đường băng cản lửa, dọn thực bì mùa hanh khô, giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua, các cánh rừng của bản quản lý phát triển xanh tốt, không xảy ra vụ cháy rừng.
Ông Quàng Văn Kim, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Noong Quài, thông tin: Trong hai năm 2023 - 2024, bản đã sử dụng 400 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng để bổ sung vào quỹ bản. Từ nguồn quỹ này, bản xây dựng 3 tuyến đường nội bản, tổng chiều dài 500 mét; lắp đặt 50 cột đèn năng lượng mặt trời dọc các trục đường chính. Bên cạnh đó, bản còn hỗ trợ 12 m³ cát cho các gia đình đổ bê tông nền nhà vững chắc. Đến nay, các tuyến đường vào bản được bê tông hóa và có hệ thống chiếu sáng ban đêm.
Lan tỏa sức mạnh cộng đồng
Hiện nay, xã Chiềng Muôn có 6 bản, 336 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và La Ha sinh sống; diện tích rừng tự nhiên gần 5.500 ha. Nguồn thu từ bảo vệ rừng hằng năm toàn xã được chi trả gần 4 tỷ đồng. Cùng với đó, người dân và các chủ rừng trong xã còn trồng xen hơn 35 ha cây thảo quả dưới tán rừng, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và ý thức bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai cách làm hiệu quả, trong 2 năm qua, toàn xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng 2,2 km đường giao thông nông thôn tại các bản Noong Quài, Hua Đán, Cát Lình; lắp đặt 110 cột điện chiếu sáng trong nội bản Hua Đán, Hua Kìm, Noong Quài và Hua Chiến; làm 1,4 km rãnh thoát nước tại bản Pá Kìm; hỗ trợ cứng hóa nền nhà 76 hộ dân. Đặc biệt, người dân các bản còn tự nguyện góp 450 triệu đồng thi công tuyến đường Chiềng San - Chiềng Muôn. Tổng kinh phí nhân dân đóng góp cho các công trình trong hai năm qua gần 2 tỷ đồng.
Ông Giàng A Páo, Chủ tịch UBND xã Chiềng Muôn, cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới đã được nâng lên rõ rệt. Chiềng Muôn thực sự lấy người dân làm chủ thể, mọi việc đều được bàn bạc công khai, dân chủ. Năm 2025, xã Chiềng Muôn đặt mục tiêu huy động nhân dân đóng góp 600 triệu từ trích tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này, sẽ sử dụng chủ yếu đổ bê tông các tuyến đường các bản còn lại, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.
Chiềng Muôn dẫu còn nghèo, nhưng với tinh thần chủ động, đồng lòng, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Bảo vệ rừng bền vững và khai thác hợp lý nguồn lợi từ dịch vụ môi trường rừng đã cải thiện đời sống nhân dân và tạo dựng cho bộ mặt nông thôn mới ở vùng cao ngày càng khởi sắc.
Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/hieu-qua-nguon-thu-dich-vu-moi-truong-rung-DCTpz41Hg.html
Bình luận (0)