Bảo tồn và phát huy các giá trị VHDG gắn với việc phát triển du lịch chính là lấy VHDG làm nền tảng để phát triển du lịch. Đó chính là tầm nhìn chiến lược và được định hướng lâu dài. Cao Bằng từ ngàn xưa đã được các bậc tiền nhân mệnh danh là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", thiên nhiên và con người nơi đây đã tạo nên cả một kho tàng VHDG đặc sắc, một vùng VHDG riêng có của non nước Cao Bằng. Có thể nói, non nước Cao Bằng - nơi hội tụ nguồn lực vô tận hứa hẹn phát triển ngành du lịch mang đậm nét bản sắc VHDG của các dân tộc thiểu số và thiên nhiên kỳ thú, mà Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng.
VHDG đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững bằng cách làm phong phú các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, tạo ra các trải nghiệm lý thú, góp phần bảo tồn di sản văn hóa đa sắc màu nhưng rất độc đáo; giúp cộng đồng các dân tộc tại địa phương hưởng lợi từ du lịch, như tạo thêm việc làm, tận dụng tối đa nguồn nhân lực bản địa, tăng nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; bảo vệ, lan tỏa bản sắc văn hóa và môi trường. Du lịch làng văn hóa cộng đồng là hình thức du lịch khám phá và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của các dân tộc thiểu số tại các làng bản truyền thống của đồng bào các dân tộc. Du khách đến đây có cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm những phong tục, tập quán, kiến trúc bản làng, kiến trúc nhà ở, ẩm thực và các hoạt động văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Du lịch tri thức bản địa là loại hình du lịch khai thác và tôn vinh những giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại các làng bản, nhằm mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa này. Phương thức du lịch này khác với du lịch thông thường ở chỗ tập trung vào việc chia sẻ, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa người dân địa phương với du khách, thay vì chỉ đơn thuần tham quan, ngắm cảnh. Du lịch lễ hội là loại hình du lịch hướng đến các sự kiện văn hóa, lễ hội của mỗi địa phương, nơi du khách có thể đến để trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng đất cụ thể, của từng dân tộc cụ thể. Du khách được thăng hoa cùng đồng bào địa phương với kho tàng VHDG phong phú, đặc sắc của Cao Bằng, có nhiều lễ hội độc đáo, hấp dẫn đã và đang thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước. Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng.
Những năm gần đây, các làng nghề có cơ hội đi lên cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du khách đến tham quan làng nghề được trải nghiệm với các nghệ nhân làm nghề và có thể các sản phẩm đó sẽ trở thành những món đồ lưu niệm của những chuyến du lịch của du khách. Bản chất của làng nghề trong thực tiễn đời sống xã hội từ xưa tới nay vốn là một loại hình hoạt động kinh tế có tính văn hóa sâu sắc. Những cộng đồng nghề nghiệp ra đời và phát triển trực tiếp vì mục đích kinh tế là chủ yếu, mặt khác các làng nghề được bảo tồn, phát triển, đóng góp đắc lực cho việc bảo tồn những giá trị VHDG trong những nghề nghiệp mà họ đang lưu giữ.
Bảo tồn và phát huy VHDG của các dân tộc, xét về bản chất chính là giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống vốn có, đặc biệt là tính cố kết cộng đồng ở mọi vùng quê. Tính cố kết cộng đồng truyền thống trong VHDG hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, ngành du lịch đang được chú ý, nhằm tăng cường quảng bá, phát huy, làm giàu vốn VHDG của các dân tộc; là biểu hiện sự tiếp nối truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc trong điều kiện mới, cơ chế mới, nhịp sống mới, góp phần nâng cao và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, qua đó huy động sự đóng góp tự nguyện và rộng rãi của người dân vào việc bảo tồn những giá trị di sản VHDG của các dân tộc.
Phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị VHDG vốn có trong đời sống xã hội chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Để hoạch định các giải pháp và tầm nhìn chiến lược định hướng dài hạn, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định kinh tế - du lịch cần tạo sự khác biệt và hấp dẫn; đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của VHDG các dân tộc. Nâng cao ý thức cộng đồng và lòng tự hào của người dân về văn hóa truyền thống của mình, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng VHDG thường đi kèm với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, góp phần tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Nguồn: https://baocaobang.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-gan-voi-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-dan-gian-3178645.html
Bình luận (0)