Với phương châm “GDĐT là quốc sách hàng đầu” và “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, hằng năm, tỉnh dành 20% ngân sách đầu tư phát triển giáo dục; các huyện, thành phố dành từ 20 - 40% ngân sách vào lĩnh vực giáo dục.
Giai đoạn 2021 - 2025, cấp tỉnh và cấp huyện dành 2.928 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành GDĐT, hơn 293 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng hiện đại để thực hiện mục tiêu trở thành “trường học thông minh” theo chuẩn quốc tế, là trung tâm nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của tỉnh.
Tại mỗi huyện, thành phố xây dựng trường THCS trọng điểm theo hướng đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về thiết bị, làm cơ sở để triển khai mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Trước sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, dịch vụ và công nghệ, Vĩnh Phúc tiến hành rà soát, quy hoạch và sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp (GDTX, GDNN) theo hướng đảm bảo tinh gọn và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc chủ trương mở rộng mạng lưới giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Trường THPT Nguyễn Văn Chất (Vĩnh Tường), Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú tỉnh (Tam Đảo); Trường THCS & THPT Sư phạm thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Phúc Yên).
Việc thành lập thêm 3 trường THPT phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới trường học, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cho con em theo học THPT; đồng thời phù hợp với dự thảo sửa đổi Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” và quy hoạch của tỉnh.
Cùng với hệ thống giáo dục công lập, Vĩnh Phúc đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục và trường phổ thông tư thục được thành lập; trong đó, Trường Phổ thông liên cấp Newton và Trường THCS & THPT Đào Duy Từ là 2 cơ sở giáo dục phổ thông tư thục phát triển theo hướng chất lượng cao.
Đến nay, Vĩnh Phúc có hệ thống mạng lưới trường, lớp đa dạng, phù hợp với vùng, miền và cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.
Cấp mầm non có 163 trường mầm non công lập, 17 trường mầm non tư thục và 260 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; đảm bảo chăm sóc, giáo dục cho hơn 75.000 trẻ. Cấp tiểu học có 146 trường tiểu học công lập, 1 trường tiểu học tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 120.000 học sinh.
Cấp THCS có 131 trường THCS công lập và 14 trường liên cấp tiểu học và THCS, đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 100.000 học sinh. Cấp THPT có 34 trường THPT công lập, 4 trường THPT tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 40.000 học sinh.
Tỷ lệ phòng học kiên cố của các trường công lập đạt từ gần 97 - 100% tùy theo từng cấp học, cao hơn 10 - 30% mức bình quân chung cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 392/487 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 80%, trong đó, gần 45% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Hệ thống GDTX, GDNN quy hoạch phù hợp với thực tiễn gồm có 1 trung tâm GDTX tỉnh, 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp tư thục, 12 trung tâm GDNN, 7 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 2 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của các cơ sở GDNN là hơn 41.000 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó, trình độ cao đẳng gần 4.500 HSSV; trình độ trung cấp hơn 8.000 HSSV; trình độ sơ cấp hơn 28.500 HSSV.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 121 trung tâm học tập cộng đồng và nhiều trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học, trung tâm kỹ năng sống, đơn vị kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Với sự quan tâm đầu tư của chính quyền, sự đồng hành của người dân và nỗ lực của ngành GDĐT, Vĩnh Phúc đã và đang từng bước xây dựng hệ thống giáo dục đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT, giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2024 đạt hơn 81%...
Trong giai đoạn tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung quy hoạch và phát triển hệ thống trường, lớp toàn diện, đa dạng ở các cấp học; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học theo hướng tiên tiến, chuẩn quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để ngành GDĐT tỉnh phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Minh Hường
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126098/Phat-trien-he-thong-truong-lop-phu-hop-voi-thuc-tien
Bình luận (0)