Công ty TNHH UTI Vina Vĩnh Phúc, khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chuyên cung cấp các sản phẩm và giải pháp công nghệ cao, phục vụ cho các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.
Năm 2024, công ty đầu tư dự án UTI tại Vĩnh Phúc trị giá 35 triệu USD. Nhờ hoạt động hiệu quả, cuối tháng 3/2025, công ty tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech triển khai dự án đầu tư sản xuất điện tử với số vốn 105 triệu USD.
Đại diện Công ty TNHH UTI Vina Vĩnh Phúc cho biết: Môi trường đầu tư kinh doanh của Vĩnh Phúc ngày càng được hoàn thiện; thủ tục hành chính nhanh gọn, tiết kiệm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt KCN Thăng Long Vĩnh Phúc với hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nhiều cây xanh đã tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Năm 2025, công ty tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 tại tỉnh, đây là dự án phù hợp với định hướng thu hút công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Hơn 12 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH BHFlex Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) luôn duy trì được đà tăng trưởng với tổng vốn đầu tư đạt 140 triệu USD, tăng gần 150 lần so với thời điểm ban đầu và khẳng định vị thế hàng đầu trong số các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh.
Hiện, công ty là nhà cung cấp, đối tác tin cậy của các tập đoàn hàng đầu như Samsung, LG, SK... Cùng với sản xuất, tiêu thụ trong nước, công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2024, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 49%; tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của tỉnh đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới như Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc…
Nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh chủ động vượt khó, nắm bắt được các cơ hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khẳng định chỗ đứng trên thị trường như Công ty TNHH Heasung Vina, Công ty TNHH Pratron Vina, Công ty TNHH Jawa Vina, Công ty TNHH Power Logics Vina…
Toàn tỉnh hiện có hơn 200 dự án thuộc nhóm ngành nghề điện tử hoạt động, chiếm 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các KCN.
Xác định công nghiệp điện tử là ngành sản xuất chiếm vị trí then chốt trong nền kinh tế và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác, những năm qua, tỉnh đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp công nghệ cao với các dự án bán dẫn, chip, trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối dễ dàng với các khu vực công nghiệp trọng điểm khác trong nước và quốc tế; hạ tầng logistics với cảng cạn ICD thuận tiện cho thông quan và xuất khẩu; hệ thống điện bảo đảm ổn định.
Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quỹ đất khoảng 4.500 ha sẵn sàng dành cho các dự án công nghiệp công nghệ cao, bao gồm các KCN chuyên biệt để phát triển ngành bán dẫn. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh ước đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,27% so với cùng kỳ.
Trong những năm tới, khi Việt Nam đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng các nhà máy thông minh theo các chương trình hợp tác giữa Bộ Công thương với Tổ hợp SamSung Việt Nam thì cơ hội phát triển thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu linh kiện máy tính, sản phẩm máy tính ra thế giới của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở Vĩnh Phúc nói riêng và trong cả nước nói chung sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển.
Theo đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; triển khai thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chip, bán dẫn... góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Bài, ảnh: Mai Liên
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126106/Tao-dot-pha-cho-nganh-cong-nghiep-dien-tu
Bình luận (0)