VAC là mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, những năm qua, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất - nước - năng lượng mặt trời, tái sinh nguồn chất thải chăn nuôi, tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Đến nay, mô hình VAC đã và đang được nhân rộng, phát triển tại các hộ gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.
Từ nhiều năm nay, mô hình VAC của hội viên nông dân Trần Văn Quảng, xã Cao Minh (Phúc Yên) được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi, bởi mô hình không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một số lao động trên địa bàn.
Với hơn 2 ha đất, ông Quảng dành gần 1 ha đào ao nuôi các loại cá như trắm, mè, trôi, chép, rô phi; diện tích còn lại đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà thịt, vịt thương phẩm và trồng cây ăn quả.
Hiện, trang trại của ông Quảng duy trì 12 vạn con gà đẻ, hơn 4 nghìn con vịt thương phẩm. Cứ 5 ngày xuất bán gà giống 1 lần, số lượng khoảng 5 nghìn con; đối với gà thịt và vịt thương phẩm, cứ 3 tháng xuất bán 1 lần, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Ông Quảng cho biết: Điểm độc đáo của mô hình VAC chính là chiến lược tái sinh, chất thải chăn nuôi sẽ làm nguồn phân bón cho cây trồng, một số loại phế phẩm từ cây trồng có thể làm thức ăn cho cá hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng.
Bên cạnh đó, ao nuôi còn cung cấp nước tưới, bùn làm tăng chất dinh dưỡng cho đất, tốt cho cây ăn quả. Nhờ sự kết hợp trên, người dân có thể phát huy tối đa diện tích đất, nguồn thức ăn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc ngày càng diễn biến phức tạp nên thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống, ông Đỗ Văn Thành, xã Yên Phương (Yên Lạc) chăn nuôi theo hình thức gia công thông qua chuỗi liên kết với doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro. Đồng thời đào ao thả cá kết hợp trồng các loại cây ăn quả để phát triển mô hình VAC bền vững.
Hiện nay, gia đình ông Thành thường xuyên duy trì 300 lợn thịt/lứa, thả nuôi 0,5 ha cá các loại và trồng vài trăm gốc mít, bưởi diễn, nhãn trên bờ, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, ông Thành cho biết: Sự kết hợp hài hòa giữa VAC đã hình thành chuỗi giá trị khép kín, lấy ngắn nuôi dài, góp phần khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, việc liên kết chăn nuôi gia công được doanh nghiệp cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch bệnh và bao tiêu đầu ra sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế bền vững và thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, khuyến khích chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.
Nhờ đó, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tiếp tục được đưa vào sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thực tế, mô hình VAC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, địa phương mà còn góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, hiện còn nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi nên chưa phát huy hết hiệu quả, tiềm năng đất đai và mô hình của gia đình.
Để mô hình VAC ngày càng phát triển bền vững và nhân rộng, cần có sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa về nguồn vốn, kỹ thuật để người dân mạnh dạn hơn trong đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
Cùng với đó, người dân cần linh hoạt, chủ động đưa cây, con giống mới vào trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ.
Bài, ảnh: Hồng Tính
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126103/Hieu-qua-kinh-te-tu-mo-hinh-VAC
Bình luận (0)