Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thị trường bó hẹp, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất; tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường như: Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu với sản phẩm mật ong nhãn Bình Ca; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng với sản phẩm dao gỗ, thìa gỗ; HTX Nông sản Hữu cơ Bình Minh với sản phẩm trà túi lọc... Những sản phẩm này được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn và nhiều tỉnh bày bán, được khách hàng ưa chuộng; nhiều sản phẩm được xuất khẩu.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đầu tư máy móc mới giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện hơn 50% sản phẩm thìa gỗ, dao gỗ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng, thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) được xuất đi Úc, Singapore, Ấn Độ... Doanh thu công ty đạt gần 7 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng cho biết: “Để có được kết quả này, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Hàng năm, huyện hỗ trợ, kết nối đơn vị quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng số, xây dựng chiến lược kinh doanh, kết nối tham gia các hội chợ thương mại; hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm. Năm 2022, 2023, đơn vị nhận được hỗ trợ từ các đề án khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia với kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ, Công ty đã mua thiết bị máy móc mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty hiện có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; Bộ sản phẩm: Dĩa, thìa, que kem, que khuấy, dao gỗ được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2024. Đây là động lực lớn để công ty tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Để thúc đẩy sản phẩm CNNT phát triển, huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao giá trị kinh tế, năng lực cạnh tranh. Ông Hà Đức Hùng, Phó trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (Yên Sơn) cho biết: hằng năm, huyện kết nối, hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm, ứng dụng số hóa vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh. Toàn huyện có 61 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, 1 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 4 sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh; 12 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực; trong đó, có 4 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 8 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song phát triển sản phẩm CNNT trên địa bàn còn nhiều rào cản, khó khăn. Nguyên nhân do phần lớn các cơ sở thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong triển khai các chương trình, đề án theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển…
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/phat-trien-san-pham-tu-the-manh-dia-phuong-210684.html
Bình luận (0)