Với bề dày truyền thống và sự phong phú về văn hóa, Quảng Ninh được ví như một “bảo tàng sống” của các giá trị văn hóa dân tộc. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh đã nhấn mạnh việc phải tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, đồng thời phát huy sức mạnh con người trong phát triển KT-XH. Hay như tại Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục khẳng định rằng việc phát triển vùng miền núi, DTTS phải gắn liền với bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, không chỉ giúp các cộng đồng duy trì bản sắc mà còn là chìa khóa cho sự phát triển toàn diện.
Nhờ có định hướng cụ thể, toàn diện nên những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Bao gồm việc quan tâm tôn tạo, trùng tu các di tích; phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB văn nghệ truyền thống... Nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người DTTS đã được phát triển trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần làm cho du lịch Quảng Ninh thêm độc đáo, hấp dẫn, phong phú hơn. Các lễ hội như Soóng cọ, Kiêng gió, mùa vàng... được tổ chức hằng năm là nơi hội tụ của những di sản văn hóa phi vật thể. Những tập quán như nhảy lửa, múa rùa, mừng cơm mới, cấp sắc... được tái hiện trên nhiều sân khấu, sự kiện lớn với sự quan tâm, đón nhận của đông đảo người dân, du khách.
Việc triển khai xây dựng các “mô hình Bản văn hóa” theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh là một trong những cách làm bền vững, gắn chặt văn hóa với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Cụ thể, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn), làng người Tày ở thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù (xã Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre (đặc khu Vân Đồn). Đây không chỉ là một địa chỉ nằm trong chuỗi giá trị du lịch độc đáo của địa phương, mà hơn thế, là cách để người dân được phát huy vai trò chủ thể trong giữ gìn bản sắc của cộng đồng, vừa sáng tạo sinh kế bền vững.
Trong nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Cụ thể là thông qua xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử, bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh. Đồng thời còn có các phong trào thi đua liên tục được đẩy mạnh khi xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, “Công dân ưu tú tỉnh Quảng Ninh”... Đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS. Đáng chú ý là các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, như: Miễn học phí, hỗ trợ ký túc xá, ưu tiên thu hút sinh viên, học viên người DTTS tại Trường ĐH Hạ Long, Trường CĐ Việt - Hàn, Trường CĐ Y tế Quảng Ninh; hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên ở xã, thôn vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo. Nhiều trường học công lập ở các địa bàn vùng khó các địa phương miền núi được đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất...
Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Việc có nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt trong phát huy văn hóa, con người giàu bản sắc sẽ góp phần vào động lực phát triển nhanh của tỉnh trong giai đoạn mới.
Ngày 3/6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong danh sách này, Quảng Ninh có 4 di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Tri thức dân gian về nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ; Tri thức dân gian nghệ thuật may và trang trí trang phục người Dao Thanh Phán; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chỉ ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát đối vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
Như vậy đến nay, Quảng Ninh đã có tổng cộng 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận.
|
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-trien-van-hoa-con-nguoi-giau-ban-sac-3365250.html
Bình luận (0)