Những lát cắt lịch sử
Bối cảnh của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (địa đạo) diễn ra vào năm 1967, khi công cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt. Bộ phim đã tái hiện không khí ấy một cách chân thực và ám ảnh. Những khung hình toàn cảnh từ trên cao cho thấy cả khu rừng bị thiêu rụi, dưới mặt đất, bom mìn giăng đầy, chỉ cần sảy chân là mất mạng. Không chỉ phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh, phim còn khắc họa sự kiên cường của những con người bám trụ nơi đây, chiến đấu trong bóng tối nhưng luôn giữ vững ánh sáng của lòng yêu nước.

Địa đạo là một bộ phim truyện điện ảnh hư cấu, nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử và những câu chuyện có thật. Trong phim, chỉ duy nhất nhân vật Tư Đạp được giới thiệu là lấy cảm hứng từ nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực. Lựa chọn này giúp ê kíp thỏa sức sáng tạo, tăng hấp dẫn cho bộ phim. Tuy nhiên, hư cấu không có nghĩa là xa rời thực tế. Ngược lại, bộ phim ngập tràn chất liệu lịch sử, như một thước phim quay chậm, giúp thế hệ hôm nay hình dung rõ nét về cuộc sống và chiến đấu của cha ông trong những năm tháng khốc liệt thuở trước.
Không còn mô-típ quen thuộc ta thắng - địch thua dù địch mạnh - ta yếu, thay vào đó, Địa đạo khắc họa rõ nét đau thương, mất mát, có lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc. Những Bảy Theo, Ba Hương, Tư Đạp, chú Sáu, Ba Hiếu, Út Khờ, Sáu Lập, Hai Thưng… trước hết là những con người bình thường của đất thép Củ Chi. Họ có người lần đầu cầm súng, có cả sợ hãi, đau đớn, thậm chí muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Họ cũng chửi thề, hành động theo cảm tính, khao khát được yêu, được sống. Họ yêu nhau mãnh liệt giữa lửa đạn, kín đáo và thơ mộng - một chi tiết đề cao tính nhân bản.

Phim gây ấn tượng mạnh về diễn xuất, đa phần thiên về lối diễn tĩnh. Các diễn viên không chỉ khổ luyện để có tạo hình phù hợp, còn dấn thân hết mình trong điều kiện làm phim khắc nghiệt. Quang Tuấn thoát khỏi hình ảnh “ông hoàng phim kinh dị”, Hồ Thu Anh không còn là cô gái mộng mơ trong Sài Gòn trong cơn mưa. Dù một bộ phận khán giả có thể mong đợi sự bùng nổ hơn từ Thái Hòa, nhưng tổng thể diễn xuất của anh trong phim vẫn giữ được sự hài hòa. Tất cả tạo nên một bức tranh chân thực và ám ảnh về chiến tranh.
Từ địa đạo trong lòng dân đến “địa đạo” của điện ảnh
Địa đạo sử dụng nhiều thủ pháp đối lập, không chỉ ở thế và lực giữa ta và địch, mà còn trong cách khắc họa không gian chiến trường. Phim gây ấn tượng mạnh với những khung hình chuyển cảnh mượt mà từ mặt đất xuống lòng địa đạo, tạo nên sự tương phản rõ nét. Trên mặt đất, đội quân thiện chiến với vũ khí tối tân ngày đêm truy quét, xe tăng, máy bay, tàu chiến ầm ầm tàn phá. Dưới lòng đất, du kích Củ Chi len lỏi, nhích từng chút trong những đường hầm chật hẹp, ngột ngạt, đôi khi nồng nặc mùi khí độc. Một bên ra sức hủy diệt, một bên không chỉ chống đỡ mà còn kiến tạo một thế trận kiên cường dưới lòng đất.
Tôi không có gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến các diễn viên và ê kíp, vì bộ phim đã tái hiện được một phần của đất thép Củ Chi - một câu chuyện mà suốt 50 năm qua chưa từng có bộ phim nào thực hiện được như vậy
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Tô Văn Đực
Phim đặc biệt gây ấn tượng với các cảnh trong lòng địa đạo, nơi những góc quay hẹp tạo cảm giác như chính đôi mắt của nhân vật, chứ không còn là khung hình từ máy quay. Thủ pháp này không ít lần khiến khán giả ngộp thở, như thể đang trực tiếp trườn, bò, chiến đấu trong chính bối cảnh phim. Địa đạo không còn là bối cảnh mà thực sự trở thành một nhân vật với linh hồn riêng, như một chứng nhân ngày đêm không ngủ cùng đội du kích.
Địa đạo vừa tái hiện một kỳ tích lịch sử, vừa mở ra một “địa đạo” mới trong lòng điện ảnh Việt Nam. Đã khá lâu, dòng phim lịch sử - chiến tranh cách mạng Việt Nam mới có một tác phẩm khiến khán giả mãn nhãn, hồi hộp để rồi tự hào, vỡ òa. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận, đây là lần đầu tiên một bộ phim do tư nhân sản xuất huy động được nhiều vũ khí hạng nặng từng được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, như: xe tăng M-48, xe bọc thép M113, trực thăng UH-1… Nhờ đó, những cảnh cháy nổ, cận chiến, đổ bộ càn quét của quân viễn chinh Mỹ trở nên chân thực như phim tài liệu, mang đến trải nghiệm sống động và ám ảnh.
Phim có các suất chiếu sớm từ 19 giờ ngày 2-4 và 19 giờ ngày 3-4, trước khi chính thức khởi chiếu từ ngày 4-4 tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phim-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-khuc-trang-ca-tu-trong-long-dat-post788745.html
Bình luận (0)