Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, ngày 7/7, trên tuyến đê bối Trầm Hà, xã Mỹ Thái xuất hiện cung sạt trượt phía sông dài khoảng 65m, rộng 6 -10m, cung sạt ăn sâu vào sát mặt đê. Sau đó, các cung sạt tiếp tục lan rộng đến giữa mặt đê, kéo dài, uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê cần khẩn cấp thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn đê (đê bối cách đê chính tả Thương - Dương Đức khoảng 300m).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi chỉ đạo phương án khắc phục sự cố đê bối Trầm Hà, xã Mỹ Thái. |
Trước diễn biến đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai phương án huy động vật tư, nhân lực, phương tiện tại chỗ; đào bạt phần đất đỉnh cung sạt (sát mặt đê) tạo mái ổn định để hạn chế cung sạt; huy động ngay phương tiện, vật tư, nhân lực đắp lăn đê phía đồng.
Hiện UBND xã Mỹ Thái chỉ đạo đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý gồm: Đào bạt mái, phá dỡ kênh tưới phía đồng và đắp lăn đê phía đồng với chiều dài 210m. Đến nay, đơn vị thi công đã đắp 8.000 m3 đất để ổn định thân đê, khắc phục bước đầu sự cố.
Đồng chí Lê Xuân Lợi biểu dương tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” của Sở Nông nghiệp và Môi trường, cấp ủy, chính quyền địa phương. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung rà soát toàn bộ hiện trạng đê điều, công trình thủy lợi, phát hiện kịp thời các sự cố, đề xuất biện pháp xử lý, nâng cao khả năng phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.
Cùng thời gian, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân lợi trực tiếp kiểm tra sự cố sạt lở bờ bãi sông khu vực km6+750; km 8+00 đến km8+250 và km9+850 đến km10+155 đê tả Thương (phường Bắc Giang). Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 16 đến 22/5, tại phường Bắc Giang xảy ra một số sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê, trong đó vị trí km6+750 xuất hiện 2 cung sạt ngay sát chân đê; vị trí km8+000-km8+250 xuất hiện khu vực sạt lở khoảng 250m, đặc biệt, xuất hiện 5 cung tại thượng và hạ lưu Trạm Thủy văn Phủ Lạng Thương; vị trí km9+850-km10+155 xuất hiện các cung sạt liên tiếp ăn sâu vào bãi sông từ 1,2-1,5m với chiều dài các cung từ 15-37m.
Đồng chí Lê Xuân Lợi kiểm tra sự cố trên đê bối tả Thương, đoạn qua phường Bắc Giang. |
Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị kiểm tra, hỗ trợ xử lý, đồng thời công bố tình huống khẩn cấp, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thả đá rời hộ chân hạn chế sạt lở xong trước ngày 30/7/2025; kè lát mái và các hạng mục khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi nhấn mạnh, tuyến đê tả Thương có vai trò quan trọng phòng, chống lũ đối với phường Bắc Giang và các khu công nghiệp của tỉnh. Đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp và Môi trường, phường Bắc Giang tiếp tục theo dõi sát diễn biến các sự cố, có biện pháp ứng phó ngay trong mùa mưa bão năm nay; đồng thời có phương án xử lý triệt để trong thời gian tới, chậm nhất trước ngày 31/12/2025 hoàn thành xử lý sự cố.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi khảo sát, chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở núi tại tiểu khu 6, phường Yên Dũng. Theo báo cáo của UBND phường Yên Dũng, vị trí xảy ra sạt lở là khu vực sườn núi sau nhà dân tiếp giáp đường liên xã phía bờ hữu sông Thương, ở thượng lưu cầu Bến Đám. Qua kiểm tra có 4 vị trí bị đất đá từ trên vách núi lở, rơi xuống phía nhà của khoảng 20 hộ dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi yêu cầu các sở, ngành, phường Yên Dũng khẩn trương xây dựng phương án khắc phục sự cố sạt lở núi, bảo đảm an toàn cho người dân. |
Hiện tại, còn một lượng đất, đá đã phong hóa có nguy cơ tiếp tục lở khi gặp các điều kiện bất lợi về thời tiết...
UBND phường Yên Dũng đã hỗ trợ di chuyển người và tài sản tại 2 hộ gia đình đến nơi an toàn, các hộ còn lại được cảnh báo, sẵn sàng di dời khi có các điều kiện thời tiết bất lợi; phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát sơ bộ và lên phương án xử lý sự cố sạt lở nêu trên.
Đồng chí Lê Xuân Lợi chỉ đạo phường Yên Dũng cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở, tăng cường kiểm tra, yêu cầu người dân đang sinh sống trong khu vực sát chân núi thường xuyên quan sát, theo dõi các dấu hiệu sạt lở đất, đặc biệt khi có mưa lớn; chủ động di dời ngay khi có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn.
Khẩn trương phát quang cây cối, dọn dẹp đất đá rời trên sườn núi, ngăn chặn đất đá rơi xuống; đào rãnh thoát nước trên các đường băng cản lửa phía trên, phủ bạt vào rãnh thoát nước để hạn chế nước thấm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để các hộ dân tiếp tục đào bạt núi, xây dựng công trình. Tiếp tục điều tra, đánh giá tổng thể chỗ ở không an toàn tại các vị trí sườn đồi núi có nguy cơ cao bị trượt lở. Thực hiện khảo sát, lập phương án bố trí kinh phí để xử lý với giải pháp phù hợp. Tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất rừng trồng các loại cây có khả năng nhanh phủ xanh đất trống, giữ đất, giảm dòng chảy mặt, tăng độ ổn định của sườn dốc.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/pho-chu-tich-ubnd-tinh-le-xuan-loi-kiem-tra-chi-dao-khac-phuc-mot-so-su-co-thien-tai-postid422132.bbg
Bình luận (0)