Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản lý thị trường hàng hóa bằng công nghệ số

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) cho phép ngành quản lý thị trường Đà Nẵng tiếp tục triển khai một số giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng15/07/2025

quan-ly-thi-truong1.jpg

Tăng cường kiểm soát

Trong đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65, ngày 15/5/2025, lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra, xử lý hơn 150 vụ việc vi phạm liên quan.

Đồng thời, tịch thu, tiêu hủy hàng ngàn đơn vị hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành phân tích nguy cơ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm xác định các nhóm hàng, doanh nghiệp, khu vực có rủi ro cao.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử qua mã QR, đặc biệt với mặt hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã là có thể truy cập toàn bộ thông tin về xuất xứ, chuỗi cung ứng, kiểm nghiệm và cảnh báo nếu có sản phẩm vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Thi, Giám đốc Chi nhánh Viện Năng suất Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, một trong những điểm nhấn là quá trình mở rộng tích hợp hệ thống ISO 9001:2015 vào chuỗi cung ứng và trung tâm logistics trên địa bàn.

“Các doanh nghiệp đạt chuẩn ISO sẽ được ưu tiên tham gia hoạt động đấu thầu, phân phối sản phẩm vào siêu thị lớn và hưởng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của thành phố. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cấp hệ thống quản trị, góp phần xây dựng môi trường thương mại minh bạch, cạnh tranh lành mạnh”, ông Thi nói.

Thành phố Đà Nẵng cũng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, gắn với việc thực hiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro theo mô hình mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ 1/1/2026).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng trên đường Hoàng Diệu cho biết, vừa ký cam kết không tham gia các hoạt động mua bán sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sữa giả. Bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nên việc minh bạch thông tin là yếu tố then chốt để giữ chân khách hàng lâu dài.

Dự báo, ngăn chặn trước

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chú trọng việc ứng dụng công nghệ số, AI, dữ liệu lớn (Big Data) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, truy xuất, hậu kiểm và nâng cao hiệu quả thực thi.

Quá trình áp dụng, Đà Nẵng cần nghiên cứu xây dựng hộ chiếu số sản phẩm nhằm quản lý tốt hơn chất lượng hàng hóa. Hộ chiếu số cho phép lưu trữ, chia sẻ dữ liệu đầy đủ về sản phẩm, chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Thi cho rằng, các sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chế biến… cần thuộc nhóm bắt buộc có hộ chiếu số. Việc ứng dụng công nghệ này giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, giảm thiểu nguy cơ hàng hóa bị làm giả.

Với cách tiếp cận dựa trên công nghệ và dữ liệu, Đà Nẵng đang từng bước chuyển đổi từ cơ chế hành chính sang mô hình quản trị rủi ro tiên tiến, vừa tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa giúp cơ quan quản lý tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao. Qua đó, từng bước thiết lập một hệ sinh thái thương mại bền vững, có sức đề kháng cao trước các hành vi gian lận thương mại trong thời đại số.

Sau khi tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hợp nhất, việc thống nhất mô hình quản lý thị trường giữa hai địa phương càng đòi hỏi tính kết nối cao về dữ liệu, công nghệ và quy trình giám sát. Những giải pháp triển khai tại Đà Nẵng được xem là bước đi phù hợp, đặt nền móng cho một môi trường kinh doanh hiện đại, an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị thực thi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc phân tích dữ liệu, đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ trở thành công cụ chính để định hướng kiểm tra, giám sát hàng hóa trên thị trường.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đánh giá, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý thị trường, chất lượng hàng hóa góp phần hình thành hệ sinh thái thương mại minh bạch, công khai.

“Ở góc độ quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ chuyển vai trò từ “kiểm tra sau” sang “dự báo, ngăn chặn trước”. Ngành công thương thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chương trình khuyến công, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTA. Đồng thời, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng” - bà Phương cho hay.

Nguồn: https://baodanang.vn/quan-ly-thi-truong-hang-hoa-bang-cong-nghe-so-3296837.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm