Học sinh cuối cấp ở thành phố Nam Định trao đổi về việc chọn trường, chọn nghề trước kỳ tuyển sinh vào đại học. |
Với mong muốn được trở thành một người pha chế đồ uống nên từ lâu em Ngọc Vân, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) đã mày mò học hỏi cách pha chế để gia đình và bạn bè thưởng thức mỗi khi rảnh rỗi. Những cốc nước ép, sinh tố, trà sữa… của Vân được mọi người tán thưởng vì thơm ngon và có sự khác biệt. Điều này khiến em khá hào hứng, “ôm” giấc mơ “khởi nghiệp” của mình. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, việc chuẩn bị đăng ký thi tốt nghiệp THPT cùng với chọn trường để chuẩn bị đăng ký vào đại học lại khiến em rơi vào tình trạng “khủng hoảng tâm lý” khi bố mẹ biết em chỉ có ý định dự thi tốt nghiệp THPT và đi học nghề pha chế chứ không đăng ký vào đại học. Sau thời gian thuyết phục không thành, cùng với sức ép, không công nhận năng khiếu, niềm đam mê của em từ gia đình khiến Vân sợ trở về nhà sau mỗi buổi học, sợ cả những bữa cơm, những buổi tối trò chuyện ấm cúng như trước kia. Em mất ngủ, chán ăn và không còn chú tâm đến việc học hành. Nhận thấy tâm lý bất thường của Vân, cô giáo chủ nhiệm đã gặp riêng để hỏi han, lắng nghe em tâm sự, chia sẻ và động viên em tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, từ đó khẳng định bản thân để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Mặt khác cô giáo đã trò chuyện với phụ huynh để cùng tìm cách thay đổi giúp Vân lấy lại sự tự tin, lựa chọn nghề nghiệp sau khi đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Đến nay, Vân đã vui vẻ trở lại, em cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu đạt điểm cao trong kỳ thi để vừa đăng ký học đại học, vừa học thêm nghề pha chế để có thể “khởi nghiệp” ngay từ trong quá trình học đại học.
Học sinh phổ thông đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý, nhận thức các vấn đề cuộc sống chưa đầy đủ, không chỉ chịu sức ép từ gia đình về chọn trường, lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi học trò gặp nhiều áp lực, lo lắng liên quan đến học tập, quan hệ bạn bè, tình cảm... Khi gặp khó khăn, trở ngại, không phải học sinh nào cũng tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc người thân để được hỗ trợ, giúp đỡ. Rất nhiều em đã chọn cách âm thầm chịu đựng và cố gắng vượt qua theo cách riêng của mình. Những áp lực trong cuộc sống cũng như học tập dẫn đến nhiều em có những trở ngại về tâm lý như stress - căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn tinh thần, hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm).... Tuy nhiên, các em lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi...
Thực tế cho thấy, nhu cầu của học sinh về tư vấn tâm lý khá lớn. Vì vậy, công tác tư vấn học đường khá quan trọng nhằm sớm phát hiện và tư vấn kịp thời giúp học sinh tránh các nguy cơ có thể phát sinh như: chán học, bỏ học, bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật, tự hủy hoại bản thân, sa ngã vào tệ nạn xã hội. Hiện nay, việc tư vấn tâm lý học đường đang được triển khai hiệu quả ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức một số hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung tư vấn tâm lý học đường và giáo dục kỹ năng sống; đồng thời phân công giáo viên một số bộ môn chú trọng tích hợp các nội dung liên quan vào bài giảng trên lớp. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm các lớp ở các trường có học sinh nội trú, bán trú, tích cực phối hợp với phụ huynh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Việc tư vấn tâm lý học đường được triển khai ở các cơ sở giáo dục phổ thông với các hoạt động: tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn kỹ năng, phương pháp học hiệu quả và định hướng nghề nghiệp…
Cô giáo Trần Việt Quỳnh, Trường THCS Mỹ Phúc (thành phố Nam Định) cho biết, những học sinh khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, bị bắt nạt... thường ít chia sẻ với người khác. Các em chỉ có thể mở lòng với người mà mình tin tưởng, vì vậy ngoài việc cung cấp kiến thức và nhiệt huyết với nghề, các thầy, cô giáo với tình thương yêu học sinh còn là người thân, người bạn chia sẻ với các em khó khăn trong học tập, cuộc sống. Để làm được điều đó, giáo viên cần có sự thấu hiểu, cảm thông và thực sự quan tâm tới học sinh. Trong hơn 20 năm giảng dạy, bản thân cô đã chia sẻ, động viên và giúp nhiều em học sinh vượt qua khó khăn trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình và trong quá trình học tập. Có những em được cô “tư vấn” hiện đã khá thành công trong việc thực hiện ước mơ của mình.
Mặc dù trong các nhà trường hiện nay, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên trong công tác tư vấn tâm lý học sinh ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, dù được quan tâm nhưng hầu hết các cơ sở giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai tư vấn tâm lý học đường do nhân lực chuyên sâu còn hạn chế; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với gia đình, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa đa dạng; công tác phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan chức năng trong tư vấn học đường chưa phong phú; tài liệu nghiệp vụ còn thiếu thốn, nhiều học sinh chưa mạnh dạn tìm đến thầy cô nhờ hỗ trợ... Hầu hết các trường không có giáo viên chuyên trách về tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm, thường là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ Đoàn, Đội nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ này chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn hạn chế. Học sinh khó có thể mở lòng, chia sẻ thật trong một không gian không bảo đảm quyền riêng tư. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Hoạt động tư vấn tâm lý học đường thật sự cần thiết trong mỗi nhà trường, cần được quan tâm đúng mức và mang tính chuyên nghiệp hơn nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/quan-tamcong-tactu-van-tam-ly-hoc-duong-d907941/
Bình luận (0)