Cơ hội hợp tác
Ông Bun-sợt Sệt-thi-lạt - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapư cho biết, Attapư thuộc Nam Lào, nằm trên khu vực tam giác Đông Đương, giáp ranh với các địa phương Việt Nam và Campuchia. Đến nay, tỉnh đang thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 9 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam.
Những năm qua, nền kinh tế Attapư luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đáng chú ý, tỉnh đang tập trung phát triển lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu, trong đó nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là trồng chuối, mía, cà phê, bắp, cây họ đậu và chăn nuôi bò, heo, dê. Đồng thời cho phép một số doanh nghiệp thăm dò, đầu tư khai thác các mỏ vàng, sắt, bô xít để xuất khẩu.
“Giai đoạn 2025 - 2030, Attapư chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu ngân sách. Chúng tôi đang đẩy mạnh phổ biến Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào để các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Quảng Nam, nắm bắt cơ hội đầu tư, hưởng lợi từ chính sách và triển khai hiệu quả. Hiện nay, một số doanh nghiệp Quảng Nam đã đầu tư vào Attapư, trong đó tiêu biểu là tập đoàn THACO với một dự án nông nghiệp có quy mô lớn nhất tại Lào” - ông Bun-sợt Sệt-thi-lạt cho biết.
Để tăng cường kết nối thương mại với các tỉnh, thành Việt Nam, Attapư có quốc lộ (QL) 11 kết nối với cặp cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa, nối với QL40 trên đất Việt Nam. Mới đây, tỉnh đầu tư tuyến đường từ huyện San Say nối với huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông), thông ra QL16 đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Đây là trục chiến lược, thúc đẩy hợp tác với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo thuận lợi để xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là thông qua cảng Chu Lai.
Hiện thực hóa biên bản ký kết
Những năm qua, Quảng Nam có kinh nghiệm hợp tác với 2 tỉnh Sê Kông và Chămpasak (Lào) trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo lãnh đạo Trường Đại học Quảng Nam, trung bình mỗi năm nhà trường tiếp nhận đào tạo tiếng Việt cho hơn 100 lưu học sinh Lào.
Sau mỗi khóa đào tạo, tùy theo nhu cầu học tập, học sinh Lào có thể tiếp tục đăng ký các ngành học khác nhau. Kết quả, chất lượng sinh viên Lào tốt nghiệp ra trường luôn rất cao, được bố trí làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị thuộc 2 tỉnh Sê Kông và Chămpasak.
Đại diện Trường Đại học Quảng Nam cho biết, nhà trường sẵn sàng điều kiện tốt nhất tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho tỉnh Attapư theo biên bản ký kết giữa tỉnh.
Hiện nay trường đang tập trung đào tạo các ngành mũi nhọn, phù hợp với nhu cầu cán bộ, sinh viên tỉnh Attapư như ngôn ngữ Anh, Công nghệ - Thông tin, du lịch…
Theo biên bản đã ký kết, Quảng Nam sẽ ưu tiên đào tạo các ngành nghề để con em tỉnh Attapư có thể phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp Quảng Nam đang đầu tư tại tỉnh Attapư.
Đáng chú ý, Quảng Nam sẽ cấp 20 suất học bổng toàn phần để đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành cho cán bộ, học sinh tỉnh Attapư. Đồng thời tiếp nhận đào tạo học sinh tỉnh Attapư theo diện tự túc về kinh phí và Quảng Nam sẽ miễn toàn bộ học phí, ký túc xá.
Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, hai bên sẽ tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của mỗi bên tiếp cận nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác về thương mại, đầu tư, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch.
Cạnh đó, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư, thương mại tại mỗi tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, nhất là các loại hàng hóa, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Tỉnh Attapư sẽ có những chính sách ưu đãi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Quảng Nam tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Quảng Nam trong xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Phu Cưa.
[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Attapư tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Quảng Nam đầu tư tại Attapư:
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh, biên bản hợp tác hữu nghị này không chỉ là sự ghi nhận những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh mà cũng là nền tảng để hai bên có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong tương lai.
Đặc biệt là thông qua các hoạt động tăng cường đối ngoại chính trị, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa hai bên.
“Tôi đề nghị lãnh đạo hai tỉnh tiếp tục quan tâm có cơ chế đặc biệt, xây dựng chương trình cụ thể để hiện thực hóa các nội dung của biên bản này. Trong đó, có cơ chế phù hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư.
Trước mắt, đề nghị lãnh đạo tỉnh Attapư tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn THACO triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, biến dự án này trở thành động lực, là mô hình mẫu, tiên phong trong việc hợp tác đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam tại Attapư” - ông Dũng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-attapu-hop-tac-cung-phat-trien-3151935.html
Bình luận (0)