Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quảng Nam nỗ lực "điền tên" vào bản đồ du lịch đường sắt

Thời gian gần đây, du lịch đường sắt có nhiều chuyển động tích cực. Và Quảng Nam cũng đang nỗ lực để “điền tên” vào bản đồ du lịch đường sắt.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam03/04/2025

img_5064.jpeg
Ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) thời gian qua đã được cải tạo nâng cấp để đủ tiêu chuẩn đón khách cao cấp du lịch đường sắt. Ảnh: QUỐC TUẤN

Chuyển động trên toàn quốc

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt, trong năm 2024 đơn vị đã nâng cấp, chỉnh trang nội thất 29 toa xe (2 ram xe) để khai thác kinh doanh đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 trên tuyến TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng kể từ dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng TP.Đà Nẵng; tổ chức chạy tàu “Hành trình đêm Đà Lạt” vào ngày 14/4/2024 và đưa vào khai thác đoàn tàu “Lareiner (Hoàng hậu) Đà Lạt - Trại Mát” đêm Giáng sinh 24/12/2024.

Cạnh đó, tổ chức chạy đoàn tàu “Kết nối di sản Miền trung” Huế - Đà Nẵng (đưa vào khai thác ngày 26/3/2024) và đã được bình chọn trong tốp 9 sản phẩm du lịch ấn tượng của Huế năm 2024; tiếp tục đẩy mạnh chương trình Food tour Hải Phòng bằng tàu hỏa trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng… Trong năm 2024 lượng vé bán online đã chiếm khoảng 60% sản lượng vé bán của Công ty CP Vận tải đường sắt.

Đặc biệt trong tháng 12/2024, Công ty CP Vận tải đường sắt đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch PYS chạy thử nghiệm đoàn tàu du lịch hạng sang SJourney đã tạo được tiếng vang trên bản đồ du lịch bằng tàu hỏa trên thế giới.

Ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt cho rằng, du lịch bằng tàu hỏa mang đến cho du khách góc chiêm ngưỡng khác biệt về vẻ đẹp của Việt Nam. Ở đó, du khách có thể thư thái ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh mướt, dãy núi hùng vĩ, bờ biển trải dài, các thành phố sầm uất hay những làng quê yên bình.

Ngày 12/1/2025, ngành du lịch Quảng Nam đã tổ chức đón đoàn khách hạng sang từ tàu SJourney xuống ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) để tham quan và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch xanh, đặc sắc, nổi tiếng như phố cổ Hội An, điểm đến văn hóa Âu Lạc tại làng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn), làng gốm Thanh Hà, làng quê Cẩm Thanh... (SJourney là chuyến tàu được thiết kế với tiêu chuẩn quốc tế, hành trình kéo dài 8 ngày - 7 đêm xuyên Việt, nối liền Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, giá vé cho mỗi hành khách tham gia tour này khoảng 8.610 USD).

Theo ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ Duy Nhất Hội An, tour này đều đặn khởi hành luân phiên từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh rồi ngược lại, Quảng Nam có lợi thế khi nằm ở vị trí trung điểm của tuyến này.

Mặt khác, Quảng Nam sở hữu nhiều giá trị khác biệt, đặc trưng của du lịch Việt Nam nên khách từ tàu SJourney khi dừng chân trải nghiệm rất thích thú và đánh giá cao.

Động thái của Quảng Nam

Theo kế hoạch liên tịch về hợp tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Quảng Nam và đường sắt trong giai đoạn 2024 - 2026, các bên liên quan sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch bằng đường sắt; góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam bằng đường sắt thông qua ga Trà Kiệu và ga Tam Kỳ.

img_5094.jpeg
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam chào mừng đoàn khách hạng sang từ tàu SJourney dừng chân tại ga Trà Kiệu hồi tháng 1/2025. Ảnh: QUỐC TUẤN

Đồng thời mở rộng tuyến kết nối “Chuyến tàu di sản miền Trung” giữa các điểm du lịch; kết nối, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa đường sắt và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, từ khi triển khai liên kết hợp tác, khách du lịch đến Quảng Nam bằng đường sắt đang tăng dần.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã đón 7 đoàn khách quốc tế bằng đường sắt đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, trong đó phần lớn là khách từ châu Âu, Mỹ và đang tiếp tục chuẩn bị để đón nhiều đoàn đã đăng ký đến cuối năm.

Trong quy hoạch thời gian đến, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống ga đường sắt gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên.

Đồng thời nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối mạng lưới đường sắt đô thị của Đà Nẵng, bao gồm tuyến kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ TP.Hội An. Có thể thấy cơ hội thúc đẩy du lịch đường sắt qua Quảng Nam còn rất lớn.

Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin, thời gian tới ngành du lịch Quảng Nam sẽ đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng sản phẩm, đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng theo hướng xanh, bền vững của từng địa phương như văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm OCOP… vào “hệ sinh thái đường sắt” để tăng trải nghiệm cho du khách.

Cạnh đó, xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa, nguyên đoàn theo yêu cầu dành cho khách du lịch; mở rộng, kết nối giữa các địa phương để xây dựng hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đường sắt đặc thù thu hút khách du lịch; khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt và tổ chức các chương trình tour cho khách du lịch lựa chọn di chuyển bằng đường sắt...

Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-no-luc-dien-ten-vao-ban-do-du-lich-duong-sat-3151998.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm