Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quảng Nam và Đà Nẵng về chung một nhà để phát triển lớn mạnh hơn

Đà Nẵng hiện đang hưởng nhiều cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, khi Quảng Nam nhập với Đà Nẵng thì Quảng Nam đương nhiên cũng được hưởng các chính sách đó.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân25/04/2025

Ngày 25.4, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) để báo cáo với cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường; Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), Thiếu tướng Trần Đình Chung.

l-03.jpg
Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín

Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật, 7 nghị quyết; cho ý kiến đối với 6 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước; đặc biệt là Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Nhiều động lực giúp Đà Nẵng phát triển

Sau khi lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong Kỳ họp thứ Chín tới đây, Quốc hội sẽ bàn thảo cho ý kiến xem xét thông qua Nghị quyết xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

l-01.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin với cử tri về việc sáp nhập hai địa phương

Trước đây, Bộ Chính trị kết luận là sẽ xây dựng Trung tâm tài chính quy mô cấp khu vực tại Đà Nẵng; tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền thì TP. Đà Nẵng và các bộ, ngành cũng như Chính phủ thấy rằng: cần xây dựng theo hình thức ở Việt Nam có một trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt ở hai địa điểm tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó phân định rõ về chức năng của từng trung tâm để làm sao phát huy được các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là sự quan tâm của nhà đầu tư. Hiện thành phố cũng đang rất khẩn trương để trình với Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành quyết định thành lập khu thương mại tự do.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, khi hình thành Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng, đây là 2 hình thái kinh tế mới sẽ tương tác, hỗ trợ cho nhau trong phát triển. Đến thời điểm này, duy nhất ở Việt Nam, chỉ có thành phố Đà Nẵng có 2 hệ sinh thái này, cộng với các cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ, phát triển và các ngành công nghiệp mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Đà Nẵng phát triển.

Bí thư Thành ủy cũng thông tin thêm, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Luật Chính quyền địa phương và một số luật khác để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp, không tổ chức chính quyền cấp huyện; trong đó, thẩm quyền chức năng nhiệm vụ cấp phường sẽ cao hơn rất nhiều. Hiện thành phố đang nghiên cứu, kiến nghị đề xuất Trung ương có một số cơ chế hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc. Riêng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương giao cho HĐND 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam nghiên cứu cơ chế chính sách đồng bộ để hỗ trợ thêm.

Sáp nhập để mạnh hơn

Liên quan đến sắp xếp xã phường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thông tin, qua nhiều lần điều chỉnh, hiện nay Đà Nẵng còn lại 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu, giảm 66%. Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe tiếp thu ý kiến nhân dân để điều chỉnh tên gọi xã, phường mới gắn với truyền thống lịch sử văn hóa địa phương.

l-02.jpg
Cử tri kiến nghị nhiều nội dung đến Đoàn ĐBQH thành phố

Đối với vấn đề hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, Bí thư Thành ủy bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi chính sách này được nhân dân tích cực ủng hộ, đồng hành. Đến nay, Ban chỉ đạo 2 địa phương đã họp 3 phiên và cơ bản thống nhất với kế hoạch định hướng sáp nhập, phấn đấu hoàn thành báo cáo cho Trung ương trước ngày 30.4. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu chính sách để bố trí nơi ở làm việc cho cán bộ Quảng Nam ra làm việc.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Đà Nẵng và Quảng Nam trước đây là một nhà, sau 27 năm tạm thời chia tách để lớn lên, bây giờ phải về chung lại để cùng phát triển lớn mạnh hơn. Đà Nẵng hiện đang hưởng nhiều cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, khi Quảng Nam nhập với Đà Nẵng thì Quảng Nam đương nhiên cũng được hưởng các chính sách đó. Khi sáp nhập 2 địa phương lại sẽ phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đặc biệt là truyền thống đoàn kết.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tinh thần là làm sao để cho bộ máy mới thì phải hoạt động hiệu lực, hiệu năng hiệu quả và không bị đứt gãy, không bị gián đoạn; thành phố mới có lớn mạnh lên được là phải phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của người dân xứ Quảng nói chung. Hai địa phương cũng đã bàn và thống nhất rất cao, giữ vững truyền thống đoàn kết.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quang-nam-va-da-nang-ve-chung-mot-nha-de-phat-trien-lon-manh-hon-post411436.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm