Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quê Thanh làm theo lời Bác dạy

(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đất và người xứ Thanh đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Có lẽ vì vậy mà trong trái tim Bác Hồ, Thanh Hóa luôn có một vị trí rất đặc biệt.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa19/05/2025


Quê Thanh làm theo lời Bác dạy

Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn - “trái tim” ngành công nghiệp xứ Thanh. Ảnh: Minh Hằng

Khi viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Người đã đề cập đến những nhân vật lịch sử lớn của Thanh Hóa: “Lê Đại Hành đã dũng cảm không chịu khuất phục trước yêu sách của láng giềng hùng mạnh hơn mình gấp bội. Ông đã đánh thắng địch, giết chết tướng địch. Do đó, đã giải thoát được đồng bào khỏi nạn nô dịch...”; “Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ bắt ta chịu”... Hay trong “Diễn ca lịch sử nước ta” được Người viết năm 1941, cũng có nhiều nhân vật lịch sử của mảnh đất này được Người ngợi ca, ví như Bà Triệu: “Tỉnh Thanh Hóa có một Bà/ Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi/ Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương/ Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”...

Với tình cảm và sự quan tâm đặc biệt dành cho Thanh Hóa, nên dù trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, tranh thủ từng phút, từng giờ để chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian về thăm Thanh Hóa (ngày 20/2/1947). Chuyến thăm đầu tiên Người dành cho mảnh đất này đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, bởi sự quan tâm và nhiều kỳ vọng Người dành cho Thanh Hóa. Khi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh tại Rừng Thông (TP Thanh Hóa ngày nay), Người căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Còn khi nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào, Người nhắc nhở: “Trước lúc tôi tới đây, tôi đã được thư cụ Lê Thước nói về công việc kiến thiết tỉnh Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu. Trong lúc đang phá hoại nhà cửa, đường sá mà lại nói đến kiến thiết thì có trái nhau không? Không trái nhau, muốn kiến thiết phải phá hoại. Phá hoại để đấu tranh thắng lợi, rồi mới kiến thiết. Nay tôi xin có mấy ý kiến, xin cống hiến về việc kiến thiết. Một tỉnh mô phạm chẳng những mô phạm ở một mặt mà còn phải ở nhiều mặt; kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt. Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Có ruộng phải cày cho có lúa, có người nhưng phải phân phối thế nào”. Nói tóm lại, “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi, thống nhất”. Bác “kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi”, để lần sau Người trở lại “sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Khắc sâu lời Bác dạy, Nhân dân Thanh Hóa không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, dân tộc, tôn giáo đã nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Để khi trở lại thăm Thanh Hóa (năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm. Ví dụ: Dân công ta đã ra sức rất nhiều trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ, tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Quê Thanh làm theo lời Bác dạy

Thanh Hóa tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi bước vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát huy lời dạy của Bác Hồ, Thanh Hóa vừa ra sức kiến thiết và phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp sức vào công cuộc chống phá hoại của giặc Mỹ. Trong đó, thắng lợi giòn giã của quân và dân ta trên mặt trận Hàm Rồng (ngày 3, 4/4/1965) đã trở thành thiên hùng ca bất tử của thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Thanh Hóa phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, thi đua yêu nước nhằm chi viện cao nhất sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần vào mốc vàng chói lọi ngày 30/4/1975 của dân tộc.

Đã gần 80 năm kể từ lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, mảnh đất gian lao mà anh dũng này ngày càng “thay da đổi thịt”, để từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong mỏi của Người. Cây cầu Hàm Rồng - biểu tượng cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta đã được xây dựng lại sau nhiều năm oằn mình gánh đạn bom. Sự hiện diện của cây cầu lịch sử bên cạnh cầu Hoàng Long, không chỉ để nhắc nhở chúng ta về quá khứ, mà còn hướng đến tương lai đầy ắp hy vọng. Và sự thật là, thành phố bên bờ sông Mã đang căng tràn sức sống, với phố phường hiện đại xen lẫn trong sắc màu của lịch sử - văn hóa đặc trưng vùng đất cổ. Từ trung tâm tỉnh lỵ, tỏa ra khắp đô thị, làng mạc từ đồng bằng đến miền núi, đâu đâu cũng đang bừng lên một sức sống mới, một nhịp sống mới từ quá trình đô thị hóa, XDNTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... “Những làng quê đáng sống” hiện hữu khắp nơi có thể xem là hình ảnh của những “làng kiểu mẫu”, “huyện kiểu mẫu” mà Bác Hồ từng nhắc đến. Ở đó, mức sống và chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn đang được kéo gần so với cư dân đô thị, nhờ các chính sách phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội và nhất là độ phủ của công nghệ thông tin, viễn thông. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân theo đó cũng ngày được nâng cao, hướng tới mục tiêu ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Quê Thanh làm theo lời Bác dạy

Di tích cấp quốc gia Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi Bác Hồ đã về và nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa.

Trong nhiều dấu ấn thành tựu mà Thanh Hóa đã đạt được, có thể kể ra một vài con số tăng trưởng ấn tượng, đã và đang góp phần khẳng định vị thế đang lên của Thanh Hóa trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chẳng hạn năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang). GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.494 USD, tăng 427 USD so với năm 2023. Đây cũng là năm “bội thu” ngân sách của tỉnh, với con số “kỷ lục” đạt hơn 56.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Đất nước đang đứng trước vận hội lớn để bứt phá mạnh mẽ và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh chung đó, nhiều thời cơ thuận lợi cho Thanh Hóa vươn lên cũng đang hiện hữu. Đó là các cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội dành riêng cho Thanh Hóa, nổi bật là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây là những nghị quyết có thể xem là “đòn bẩy chính sách” vô cùng quan trọng để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; sự đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vượt thách thức và dám chịu trách nhiệm; là ý chí tự lực, tự cường của cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân xứ Thanh. Đây sẽ là “đòn bẩy động lực” để Thanh Hóa hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: Lê Phượng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/que-thanh-lam-theo-loi-bac-day-249141.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm