Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Tổ số 6, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh luật khá rộng. Đại biểu đề xuất chỉ nên điều chỉnh, bổ sung những điều, khoản trong quá trình thực hiện trong thực tiễn gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập; còn các điều, khoản không khó khăn, vướng mắc thì vẫn giữ nguyên, tránh tình trạng sửa đổi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các Luật khác. Ví dụ, quy định trụ sở chính của doanh nghiệp (ở Điều 42), quy định về doanh nghiệp nhà nước (Điều 88)... (về hình thức tổ chức, hay tỷ lệ vốn sở hữu hoặc phân loại doanh nghiệp...) thì có cần phải điều chỉnh, bổ sung không, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm. Ngoài ra, Dự án Luật sửa đổi về việc không quy định các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính thực hiện các thủ tục về thành lập, góp vốn, giảm góp vốn tại doanh nghiệp. Đây là chủ trương mới, nhằm tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, cũng có thể làm giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Vấn đề này cũng phù hợp với Kết luận 119 của Trung ương và Nghị quyết 66 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc quy định như trên cũng cần có sự kiểm tra, giám sát, chế tài. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định một cách cụ thể, chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp lợi dụng quy định này mà cố tình lách luật, vi phạm.
Đại biểu Ngọc Linh cũng kiến nghị, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp về quyền thành lập, tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp đang loại trừ chung “Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, chưa có tiêu chí gắn với doanh nghiệp do các tổ chức này thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là chưa bảo đảm thể chế đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Trung ương.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh thảo luận tại Tổ 6 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
* Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), ĐBQH Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo. Trong đó, với quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi khoản 2 Điều 41 Luật hiện hành), đại biểu tán thành với ý kiến thống nhất thành lập Quỹ vì lý do Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở Trung ương, giao Bộ Công Thương quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ.
Qua nghiên cứu Đề án thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ, đại biểu nhận thấy: Quỹ có mục đích sử dụng riêng biệt, đảm bảo mục tiêu xã hội, cụ thể là thúc đẩy SDNLTK&HQ. Việc hình thành Quỹ vừa nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, vừa huy động thêm các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; tạo thêm công cụ để thực hiện tốt hơn vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Quỹ còn thúc đẩy SDNLTK&HQ có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư, thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu tuân thủ của các tiêu chuẩn quy định… Vấn đề đặt ra ở đây là đề nghị quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu cũng kiến nghị, đa số các chính sách trong dự án Luật mang tính khuyến khích các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình... thực hiện SDNLTK&HQ. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc SDNLTK&HQ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; đề nghị bổ sung quy định “Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn thực hiện Chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả”; “Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn đầu tư và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng, tín dụng xanh”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tin, ảnh: K.P - T.Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/tin-tuc/quoc-hoi-thao-luan-3-du-an-luat-doanh-nghiep-luat-quy-hoach-va-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-100615.html
Bình luận (0)