Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, quân nhân, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng và các đối tượng khác do quân đội quản lý; cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài quân đội có liên quan đến khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị hoặc người có thẩm quyền trong quân đội.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
ẢNH: PHẠM THẮNG
Thông tư cũng quy định rõ ràng về thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở các cấp, từ trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng và cấp tương đương giải quyết khiếu nại lần đầu, đến sư đoàn trưởng, cục trưởng, Giám đốc Học viện Quân y và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai.
Cấp cao hơn như Tư lệnh quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các tổng cục cũng được phân quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của người chỉ huy cơ quan, đơn vị cấp dưới trực tiếp do mình quản lý đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Về quy trình tiếp nhận xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, theo thông tư, Thanh tra Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu đơn khiếu nại không đủ điều kiện như quy định tại điều 11 luật Khiếu nại thì hướng dẫn hoặc có văn bản trả lời cho người khiếu nại biết rõ lý do. Nếu đơn đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì có trách nhiệm báo cáo, đề xuất để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xem xét giải quyết.
Chỉ huy các cơ quan, đơn vị nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì chuyển đến Thanh tra Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xử lý. Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (trừ các khiếu nại về Đảng và khiếu nại liên quan đến quyết định, hành vi tố tụng).
Trường hợp vụ việc phức tạp, có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thì Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trao đổi, thống nhất đề xuất để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc giải quyết.
Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Thanh tra Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất giúp Bộ trưởng về mặt pháp lý việc xem xét giải quyết các đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/quy-dinh-moi-ve-tham-quyen-giai-quyet-khieu-nai-cua-bo-truong-bo-quoc-phong-185250715203401325.htm
Bình luận (0)