Ngày 18/5/2025, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, diễn ra Lễ ra mắt Mạng lưới theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 35 đại biểu tại chỗ và 50 đại biểu trực tuyến. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh năng lượng hạt nhân được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và bảo đảm, nâng cao an ninh năng lượng quốc gia.
Mạng lưới sẽ sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam trong thời gian tới.
Giới thiệu về việc thành lập Mạng lưới, ông Trần Mạnh Hùng, Tham tán - Trưởng Bộ phận KH&CN, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện, diễn ra vào đúng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII đã chính thức thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực KH&CN và phát triển bền vững đất nước. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh), được Chính phủ ban hành ngày 15/4/2025, cũng nhấn mạnh ưu tiên phát triển điện hạt nhân theo cả mô hình tập trung và quy mô nhỏ trên toàn quốc.
Toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, do vậy năng lượng hạt nhân được thế giới tiếp tục coi trọng như một nguồn năng lượng ổn định, phát thải carbon thấp.
Tham tán KH&CN Trần Mạnh Hùng.
Theo Tham tán Trần Mạnh Hùng, từ tình hình trên, việc thành lập Mạng lưới là cần thiết và phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của trong nước hiện nay. Mạng lưới sẽ là nguồn tài nguyên quý báu về tri thức, chất xám, nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là nơi để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể kết nối, hợp tác với các đồng nghiệp trong nước, tham gia tư vấn và đóng góp vào các chương trình, dự án phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam.
Tham tán KH&CN Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh, sự tham gia của trí thức người Việt tại nước ngoài trong bối cảnh chiến lược phát triển năng lượng mới của đất nước mang một ý nghĩa rất lớn và có ý nghĩa chiến lược. Văn phòng đại diện KH&CN tại Pháp sẽ phối hợp với các chuyên gia trong Mạng lưới để truyền tải và đóng góp hiệu quả hơn vào các câu hỏi và bài toán năng lượng hạt nhân của quốc gia.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Mạng lưới, ông Đinh Toàn Thắng - Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đánh giá việc thành lập Mạng lưới có nhiều ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối, tập hợp và phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trên thế giới, đồng thời là sự hưởng ứng kịp thời với tinh thần của Nghị quyết 57.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh truyền thống hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực KH&CN, trong đó có vai trò quan trọng của các thế hệ trí thức người Việt. Pháp đã trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín, qua đó các chuyên gia, nhà khoa học người Việt không chỉ được tiếp cận với những kiến thức và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới mà còn có cơ hội hợp tác với các đối tác Pháp, mở rộng mạng lưới quốc tế.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, sự am hiểu sâu sắc về cả môi trường khoa học Pháp và bối cảnh Việt Nam sẽ giúp các trí thức tại Pháp trở thành những cầu nối hiệu quả, đóng góp những ý tưởng, giải pháp sáng tạo và phù hợp cho công cuộc phát triển năng lượng hạt nhân nói riêng và sự vươn mình của dân tộc nói chung.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ tin tưởng, với sự nhiệt huyết, tài năng và kinh nghiệm phong phú của các chuyên gia, Mạng lưới sẽ trở thành một tập thể mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đất nước xây dựng và phát triển ngành năng lượng hạt nhân bền vững, an toàn và hiệu quả. Những ý kiến đóng góp quý báu, những nghiên cứu chuyên sâu và sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia sẽ là nguồn lực quý giá, giúp Việt Nam tiếp cận và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường.
Tại Lễ ra mắt, ông Bùi Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Mạng lưới, Điều phối quản lý, thiết kế, xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuộc Tập đoàn Điện lực Pháp-EDF, đã trình bày về phương hướng và nguyên tắc hoạt động của Mạng lưới. Mục tiêu lớn nhất là chia sẻ kinh nghiệm trong ngành; tập hợp và phát triển mạng lưới toàn cầu gồm các kỹ sư, nhà khoa học làm việc về điện hạt nhân; lan tỏa văn hóa an toàn hạt nhân; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đóng góp cho việc bảo đảm cả an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Định hướng hoạt động của Mạng lưới trong năm 2025 là: Xây dựng và phát triển các tổ chức chuyên môn - tư vấn, tổ chức hội thảo khoa học, tham gia xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy, chia sẻ kiến thức hạt nhân chuyên sâu và đại chúng, tư vấn và đóng góp ý kiến chuyên gia phát triển điện hạt nhân và kết nối các cơ quan trong và ngoài nước đóng góp cho việc phát triển điện hạt nhân.
Về mặt trung hạn, Mạng lưới sẽ luôn sát cánh với tiến triển của dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, nắm bắt các nhu cầu và bài toán đặt ra để thành lập các ban chuyên môn và nhóm chuyên trách nhằm có những đóng góp tích cực, cụ thể và kịp thời.
Các ý kiến từ đầu cầu Việt Nam, gồm Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN cũng như đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các trường đại học, đều đánh giá cao việc thành lập Mạng lưới. Lễ ra mắt Mạng lưới là dịp để các chuyên gia chia sẻ về xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ về nhu cầu thực tiễn trong nước và một số định hướng ban đầu của Mạng lưới.
Mạng lưới này được xây dựng với mong muốn đóng góp hiệu quả và thiết thực cho các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam với tầm nhìn là hỗ trợ cho Việt Nam trong tương lai. Chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân là cơ hội để đội ngũ các chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ những kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.
Không chỉ có lĩnh vực hạt nhân, mà bao trùm rộng lớn hơn là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với việc xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để Việt Nam bứt phá, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt đều đánh giá cao sự thành lập Mạng lưới đồng thời chia sẻ những nhu cầu trong các lĩnh vực về tư vấn đào tạo, lựa chọn công nghệ, tư vấn chính sách cho các đối tác trong nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Nhiều câu hỏi và bài toán đã được chia sẻ và dự kiến sẽ được triển khai sớm trong thời gian tới.
Các thành viên Mạng lưới bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới, Mạng lưới sẽ ngày càng lớn mạnh, thu hút thêm nhiều chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, trở thành một tập thể uy tín và hiệu quả để đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam, vì sự thịnh vượng cho đất nước.
Nguồn: https://mst.gov.vn/ra-mat-mang-luoi-chuyen-gia-nang-luong-hat-nhan-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-197250520104649659.htm
Bình luận (0)