
Dự án có thời hạn hoạt động trong 50 năm, tập trung phát triển dọc theo các tuyến sông lớn gồm các sông Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ. Theo kế hoạch, thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo và mở rộng 20 bến thủy nội địa cùng hệ thống công trình phụ trợ, trên tổng diện tích đất hơn 15ha.
Đáng chú ý, phía sau 11 bến thủy sẽ được xây dựng công viên cảnh quan ven sông, với diện tích hơn 25ha, nhằm tạo điểm nhấn không gian xanh, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và tăng sức hút cho các khu vực ven sông.
Không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, hệ thống bến cảng còn đóng vai trò quan trọng trong giao thông công cộng bằng đường thủy. Đây sẽ là các điểm đón trả khách, kết nối vận chuyển giữa trung tâm thành phố với các khu vực lân cận, góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang ngày càng quá tải.
Dự án khuyến khích sử dụng tàu thuyền chạy bằng nhiên liệu sạch hoặc năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Các loại tàu sẽ có sức chứa từ 100–300 khách và loại lớn từ 300–500 khách, đáp ứng đa dạng nhu cầu du lịch và đi lại.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, với tiến độ triển khai cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (2025 – 2030) xây dựng 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn, từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn, kèm theo hệ thống công viên cảnh quan, mua sắm tàu du lịch và tổ chức các chương trình nghệ thuật trình diễn trên sông – một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo.
Giai đoạn 2 (2028 – 2031) với 2 dự án thành phần gồm xây dựng 9 bến dọc sông Cổ Cò và sông Vĩnh Điện và hoàn thiện 4 bến còn lại dọc sông Cẩm Lệ.
Nhà đầu tư sẽ phải hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, đất đai, môi trường và ký quỹ bảo đảm đầu tư trong vòng 3 năm kể từ ngày được giao đất ở từng giai đoạn.
Mục tiêu dài hạn của dự án là phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới mẻ, từ tour ngắm cảnh trên sông, du thuyền ẩm thực – giải trí cao cấp đến vận chuyển hành khách qua các điểm du lịch trong và ngoài trung tâm.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với tiềm năng hơn 90km sông ngòi nội đô, thành phố có đầy đủ điều kiện để phát triển giao thông và du lịch đường thủy. Dự án này sẽ phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có, tạo thêm “mặt tiền sông” cho đô thị, thu hút nhà đầu tư và nâng cao trải nghiệm du khách.
Dự kiến khi hoàn thành, hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa không chỉ là điểm nhấn về cảnh quan mà còn là động lực thúc đẩy mô hình đô thị sông nước – xanh – bền vững của Đà Nẵng trong tương lai.
Nguồn: https://baodanang.vn/rot-gan-10-000-ty-dong-cho-du-lich-duong-thuy-da-nang-3296893.html
Bình luận (0)