Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sau thảm họa động đất ở Myanmar: Cần đánh giá rủi ro động đất ở trên cả nước

Theo Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất, ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất, thời gian tới cần thiết cập nhật số liệu cho bản đồ đánh giá đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng01/04/2025

Cần đánh giá sự ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, công trình xây dựng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cần đánh giá sự ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, công trình xây dựng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền Trung Myanmar vào ngày 28-3 khiến nhiều người dân nước này thương vong, nhiều công trình ở Myanmar và Thái Lan bị hư hại, đổ sập. Dư chấn của trận động đất này cũng gây rung lắc nhẹ tại một số tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với báo chí xoay quanh hiện tượng trên cũng như biện pháp ứng phó từ sớm, Giáo sư Trần Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng thời gian tới, ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất, các cơ quan chuyên môn cần thiết cập nhật số liệu cho bản đồ đánh giá đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước.

Cập nhật thường xuyên bản đồ đánh giá nguy hiểm về động đất

* Thưa ông, trận động đất tại Myanmar vừa qua đã gây ảnh hưởng đến một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Điều đáng nói là, trận động này xảy ra ở vị trí cách Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tới 1.700 km, song nhiều người vẫn cảm nhận rõ sự rung lắc. Ông có thể phân tích rõ hơn về hiện tượng này?

Giáo sư Trần Tuấn Anh: Khu vực Myanmar nằm ở ranh giới kiến tạo mảng Ấn Độ, Âu - Á, Sunda, nên có các trận động đất rất mạnh. Trong khoảng 100 năm gần đây, khu vực này đã xảy ra 6 trận động đất lớn hơn 7; cao nhất là trận năm 1912 có độ lớn đến 7,8. Nhìn chung các trận động đất ở xa ảnh hướng yếu đến Việt Nam.

Vừa qua, các nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị rung lắc là do ảnh hưởng của trận động đất đó. Hiện tượng này vẫn xảy ra trong các năm gần đây khi có các động đất lớn ở Lào, Trung Quốc… Các ảnh hưởng chủ yếu là rung lắc ở các nhà cao tầng ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các ảnh hưởng (như hiện tượng rung lắc) trên cũng nhỏ và khó có khả năng gây thiệt hại.

* Vậy để có thể phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra, đặc biệt với quốc gia có bờ biển dài với nền kinh tế gắn liền với biển, theo ông, Việt Nam cần có biện pháp gì để nhận diện sớm nguy cơ?

- Giáo sư Trần Tuấn Anh: Để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần, hiện nay, Việt Nam đã có bản đồ đánh giá nguy hiểm về động đất và một số kịch bản về sóng thần. Tuy nhiên các bản đồ này cần thiết cập nhật bổ sung các số liệu những năm gần đây.

Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất nhằm xác định các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vào bản đồ này, chúng ta có thể biết được thời điểm động đất lặp lại trong 1.000 năm, 500 năm và 20 năm. Hay nói cách khác, các nhà khoa học có thể dự báo được động đất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để xây dựng các bản đồ trên, ngoài số liệu về động đất, các nhà khoa học phải nghiên cứu về đứt gãy, khảo sát địa chấn, địa chất kiến tạo, tính toán lại các thông số và diễn giải dễ hiểu để người dùng sử dụng thuận tiện.

Theo thông lệ các nước trên thế giới, khoảng 5-10 năm, số liệu sẽ được cập nhật một lần. Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất của Việt Nam trong khoảng 10-20 năm gần đây chưa được cập nhật số liệu.

Cần đánh giá sự ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm

* Mức độ thiệt hại do động đất gây ra tại Myanmar đối với nước này và các nước láng giềng như Thái Lan, là rất nghiêm trọng. Trước đó, một số vụ động đất, sóng thần lớn cũng đã ở Trung Quốc, Nhật Bản. Vậy ông có kiến nghị gì về công tác lập bản đồ cảnh báo gắn với công tác lập quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn đối với các khu kinh tế, các công trình trọng điểm, công trình năng lượng ở Việt Nam?

Giáo sư Trần Tuấn Anh: Ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất, theo tôi, thời gian tới cần thiết cập nhật số liệu cho bản đồ đánh giá đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước. Trước mắt, chúng ta cần đánh giá khả năng thiệt hại khi động đất xảy ra ở một số khu vực trọng điểm như ở các thành phố lớn, khu đông dân cư, công trình trọng điểm, các vùng nguy hiểm có động đất mạnh.

Đối với vùng kinh tế biển, cần đánh giá tác động của sóng thần. Được biết bản đồ đánh giá rủi ro động đất hiện mới chỉ làm cho một số khu vực nhỏ, nhiều năm nay cũng chưa được cập nhật số liệu. Nếu có các bản đồ này, các địa phương, cơ quan quản lý dựa vào đó đưa ra được phương án kháng chấn phù hợp cho các công trình, phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đơn cử như Hà Nội, các công trình xây dựng sau 5-10 năm đã cũ đi, hay các công trình xây mới, cần được đánh giá, cập nhật lại số liệu, tính toán những công trình nào có nguy cơ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng mức độ như thế nào nếu động đất xảy ra.

Ở những khu vực động đất nguy hiểm thì cần đánh giá sự ảnh hưởng đến công trình xây dựng, sườn núi đá có nguy cơ lăn xuống hay không.

Việc kiểm tra, đánh giá theo tôi là rất quan trọng giúp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra.

Riêng đối với các công trình, dự án quan trọng như điện hạt nhân, tàu cao tốc, tàu điện ngầm, thủy điện... cần thực hiện nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của động đất và sóng thần (nếu công trình ở ven biển) theo tiêu chuẩn riêng.

Thông thường cần khảo sát, quan trắc trước, từ đó đánh giá độ nguy hiểm và tính toán rủi ro khi vận hành để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những công trình này.

* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Vietnam+

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/sau-tham-hoa-dong-dat-o-myanmar-can-danh-gia-rui-ro-dong-dat-o-tren-ca-nuoc-4003027/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm