Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sinh viên ngành khoa học cơ bản sẽ được nhận học bổng và sinh hoạt phí?

Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng và chi phí sinh hoạt dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược do Bộ GD-ĐT xây dựng sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên và thúc đẩy tuyển sinh, đào tạo các ngành học này.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên14/07/2025

Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng và chi phí sinh hoạt dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược nhằm thu hút và hỗ trợ người học có năng lực theo học các ngành mũi nhọn, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến đóng góp.

Học bổng sinh viên ngành khoa học cơ bản và chi phí sinh hoạt hấp dẫn - Ảnh 1.

Nên có thêm chính sách ưu tiên SV nữ, SV vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số và SV có hoàn cảnh khó khăn tham gia học các ngành khoa học cơ bản để bảo đảm tính công bằng và hỗ trợ đúng đối tượng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo đó, đối tượng áp dụng của nghị định bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh học, khoa học máy tính, ngành kỹ thuật then chốt như công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, vật liệu mới… và công nghệ chiến lược như công nghệ sinh học, công nghệ nano, năng lượng tái tạo…

Theo dự thảo, mức học bổng được đề xuất cấp theo kết quả học tập, cụ thể: 100% học phí cho loại xuất sắc, 70% cho loại giỏi và 50% cho loại khá. Ngoài ra, người học sẽ nhận hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng, tối đa 10 tháng/năm học. Mức sinh hoạt phí này bằng với sinh hoạt phí của sinh viên ngành sư phạm.

SINH VIÊN THEO HỌC CÒN THẤP, ĐIỂM ĐẦU VÀO CHƯA CAO

Theo tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện nay số lượng sinh viên (SV) theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), trong đó có các ngành khoa học cơ bản, vẫn thấp so với các nước phát triển. "Dù số SV ngành STEM tăng hơn 10% mỗi năm gần đây, nhưng nhóm này chỉ chiếm khoảng 27-29% tổng SV bậc ĐH. Điều này cho thấy cần có chính sách thu hút mạnh mẽ hơn để khuyến khích người học chọn các ngành STEM, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số", tiến sĩ Thưởng nhận định.

Tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, các ngành như công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử... thuộc về nhóm ngành công nghệ chiến lược và kỹ thuật then chốt, số SV hằng năm tuyển khoảng hơn 700 người và hiện quy mô chỉ chiếm khoảng 10% tổng số SV của trường.

Trường ĐH Đà Lạt chỉ tiêu cho mỗi ngành toán, lý, hóa, sinh hằng năm là 30 nhưng năm nào cũng chỉ tuyển được khoảng 10 SV/ngành, có năm chỉ vài em/ngành. Vài năm trước trường có hỗ trợ giảm 10% học phí để thu hút SV vào các ngành này nhưng cũng chưa hiệu quả. Các ngành khoa học dữ liệu, kỹ thuật hạt nhân, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa... cũng đếm trên đầu ngón tay hoặc có năm được mười mấy SV.

Do số lượng đầu vào ít nên điểm chuẩn của nhiều ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ tại một số trường cũng chỉ từ 17-19 điểm. Với mức điểm trúng tuyển này, chắc chắn chất lượng đào tạo cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Sinh viên ngành khoa học cơ bản sẽ được nhận học bổng và sinh hoạt phí? - Ảnh 1.

Sinh viên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược sẽ được học bổng và sinh hoạt phí

ảnh: Đào ngọc Thạch

CẦN QUY ĐỊNH NGƯỠNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nhận định khi chính sách học bổng này ban hành chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.

"Mặc dù giống như chính sách dành cho SV sư phạm, nhưng với ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu cho các trường theo nhu cầu đào tạo nên chất lượng tuyển sinh đầu vào rất cao. Trong khi đó các ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật, công nghệ lại do các trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực, nên nếu các trường không chú trọng việc nâng cao chất lượng mà tuyển sinh tràn lan thì sẽ không đạt được mục tiêu đào tạo nhân tài trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, bên cạnh ràng buộc về học lực, nên kèm theo điều kiện ràng buộc trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo để cho ra trường những nhà khoa học và các kỹ sư xuất sắc phục vụ mục tiêu mà nghị định đã đặt ra", tiến sĩ Duy chia sẻ.

Theo tiến sĩ Duy, chất lượng tuyển sinh đầu vào là yếu tố rất quan trọng quyết định đến khả năng học tập của SV nên để được hưởng chính sách, SV những ngành này cũng cần đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT giống như ngành y và sư phạm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng cho rằng để thu hút được SV giỏi thì phải quy định chất lượng đầu vào, tránh tình trạng điểm trúng tuyển vào một số ngành cần thiết như công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí... thấp hơn nhiều so với các ngành kinh tế, luật...

Cùng quan điểm, tiến sĩ Trần Thanh Thưởng nhìn nhận khi Chính phủ có chính sách như vậy sẽ tác động lớn tới tuyển sinh và thu hút ngày càng đông người học tài năng, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai. "Tuy nhiên, cũng cần có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho những ngành này, giống như y và sư phạm thì mới tuyển được SV giỏi", ông Thưởng nêu ý kiến.

CÓ CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM RÕ RÀNG

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả lâu dài của chính sách học bổng và chi phí sinh hoạt dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, tiến sĩ Trần Thanh Thưởng cho rằng học bổng nên được lồng ghép với các chương trình cố vấn học tập và hướng nghiệp. Theo đó, mỗi SV nhận học bổng (đặc biệt là nữ sinh hoặc SV từ vùng khó khăn) có thể được kết nối với một mentor (cố vấn) là giảng viên hoặc anh chị khóa trên trong ngành để hỗ trợ về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.

"Được cố vấn sẽ giúp các em tự tin hơn, giảm tỷ lệ bỏ ngành giữa chừng. Song song đó, xây dựng cơ chế cam kết yêu cầu SV nhận học bổng ký thỏa thuận làm việc hoặc cống hiến cho lĩnh vực/ngành hoặc đơn vị tài trợ sau khi tốt nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Cam kết công tác vừa giúp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ lại xã hội, vừa tăng trách nhiệm của sinh viên đối với suất học bổng được trao", tiến sĩ Thưởng nêu quan điểm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đề xuất thêm: "Cần có chính sách rõ ràng về việc làm cho SV tốt nghiệp. Cụ thể, các lĩnh vực này cần cung cấp nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn và triển vọng thăng tiến, từ đó SV sẽ càng có động lực học tập và phát triển".

Cũng cần có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho những ngành này, giống như y và sư phạm thì mới tuyển được sinh viên giỏi.

Tiến sĩ TRẦN THANH THƯỞNG, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Cần thêm chính sách ưu tiên sinh viên nữ

Bên cạnh việc cấp học bổng và sinh hoạt phí cho SV những ngành này nói chung, tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đề xuất nên có thêm chính sách ưu tiên SV nữ, SV vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số và SV có hoàn cảnh khó khăn để bảo đảm tính công bằng và hỗ trợ đúng đối tượng.

"Việc ưu tiên này không chỉ giúp tăng số lượng người học mà còn đa dạng hóa nguồn nhân lực, bổ sung những góc nhìn và kỹ năng khác nhau cho lĩnh vực vốn đòi hỏi sáng tạo. Ngoài ra, cần thiết kế các gói học bổng toàn phần bao gồm sinh hoạt phí cho những trường hợp đặc biệt xuất sắc hoặc khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho họ toàn tâm toàn ý theo đuổi ngành học", tiến sĩ Thưởng cho hay.


Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-nganh-khoa-hoc-co-ban-se-duoc-nhan-hoc-bong-va-sinh-hoat-phi-185250713180429842.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm