Số hóa di sản, số hóa lễ hội chính là góp phần cụ thể hóa chủ trương chung nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, Nhà nước. Điều này càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/ TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Số hóa đem lại nhiều lợi thế trong công tác bảo tồn, trước hết về mặt dữ liệu. Trước đây, hệ thống nghi lễ, kiêng kỵ, tục hèm, các trò chơi dân gian trong lễ hội chủ yếu được truyền miệng từ đời này sang đời khác, rồi từng bước được văn bản hóa kèm theo hình ảnh. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, tư liệu về lễ hội được ghi lại bằng nhiều hình thức. Đây chính là cơ sở bền vững nhất phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội.
Việt Nam có khoảng 8.100 lễ hội truyền thống. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2139/QĐBVHTTDL phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động số hóa lễ hội của địa phương mình, kết hợp với số hóa các di tích.
Dữ liệu số hóa được tạo mã QR để mọi người có thể tiếp cận thông tin về di tích, lễ hội một cách thuận tiện và phục vụ hiệu quả công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống. Một số địa phương còn làm những trang web riêng về những lễ hội có tính điển hình.
Qua đó góp phần quan trọng trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng thực hành sai lạc di sản. Trong công tác quảng bá, thông tin về lễ hội được cập nhật thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội, nhờ đó sức lan tỏa đến cộng đồng là rất lớn, giúp lễ hội gần gũi hơn với giới trẻ.
Gần đây, số hóa còn được ứng dụng trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội, như việc lắp đặt camera giám sát, nhờ đó Ban quản lý các di tích, Ban Tổ chức lễ hội cập nhật thông tin về những bất cập, từ đó, có biện pháp can thiệp kịp thời. Việc triển khai bán vé điện tử cũng giúp khách hàng chủ động mua vé tham quan di tích, lễ hội, hạn chế được tình trạng xếp hàng ùn tắc, cò mồi, tăng giá vé tham quan, chống thất thoát.
Đáng chú ý từ năm 2024, một số lễ hội bắt đầu ứng dụng công nghệ 3D Mapping (kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ làm phim để tạo nên những hiệu ứng về hình ảnh, ánh sáng, âm thanh) như: Lễ hội đền Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội)…
Bước sang mùa lễ hội năm 2025, công nghệ 3D Mapping được “nhân bản” ở hàng loạt lễ hội truyền thống. Ngoài Lễ hội đền Trần, còn phải kể đến các lễ hội như: Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên, Hà Nội)...
Công nghệ giúp bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị lễ hội. Nhưng “hàm lượng” công nghệ được ứng dụng như thế nào lại là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là việc ứng dụng công nghệ 3D Mapping. Bởi ứng dụng này chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi thực hiện vào buổi tối.
Các màn trình diễn tương tác ảo 3D Mapping thường được phối hợp cùng sân khấu bán thực cảnh, huy động số lượng diễn viên lớn nên cần có quá trình luyện tập công phu, nhất là “ghép” đội hình phù hợp với không gian của di sản. Điều này gây ra những bất cập không nhỏ. Bên cạnh đó nhiều hoạt động lễ hội bị thay đổi để “dành đất” cho chương trình nghệ thuật ứng dụng 3D Mapping.
Từ thực tế này, nhiều người băn khoăn trước việc thay đổi thời gian và không gian tổ chức các hoạt động trong lễ hội vì công nghệ 3D Mapping và màn diễn bán thực cảnh liệu có gây ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của di sản hay không?
Ứng dụng công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, lễ hội nói riêng là cần thiết; góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu lạm dụng công nghệ, lễ hội sẽ mất đi tính nguyên bản, tính dân gian và dẫn đến xa rời, thậm chí làm biến tướng, sai lệch giá trị gốc.
Nguy cơ lạm dụng công nghệ đã hiển hiện khi một số nơi biến lễ hội thành những chương trình sân khấu hoành tráng. Ánh sáng rực rỡ của những sự kiện này làm lu mờ tính thiêng, tính dân gian và cả những nghi lễ truyền thống.
Những năm gần đây, chuyển đổi số đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có hoạt động lễ hội. Nhiều địa phương đã ứng dụng tương tác ảo 3D Mapping vào chương trình lễ hội, giúp đem lại nét mới, thu hút công chúng. Tuy nhiên từ đây cũng phát sinh một số vấn đề bất cập, nguy cơ làm sai lệch việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội hoặc nảy sinh những biểu hiện tiêu cực như mê tín, dị đoan, trục lợi trái phép...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, việc phát huy giá trị văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa là đòi hỏi tất yếu khách quan. Trước yêu cầu mới của thời đại, ngày 4/6/2020 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó nêu rõ yêu cầu: Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Như vậy, quan điểm của Đảng, Nhà nước về di sản, yếu tố bảo tồn luôn luôn được đặt trước yếu tố phát huy các giá trị di sản. Đối với quảng bá, sự phát triển của công nghệ khiến bất kỳ ai cũng có thể đưa hình ảnh, video clip lên mạng. Tuy nhiên, do nhận thức, hoặc do cố ý, không ít hình ảnh, video được đưa lên đem lại những hiệu ứng xấu.
Thí dụ điển hình của năm nay là hàng loạt video “kiệu bay” (vốn được nhiều người coi là hiện tượng linh thiêng khi kiệu vượt kiểm soát của người khiêng kiệu) được đưa lên Facebook, TikTok, YouTube. Kèm lời thuyết minh, lời bình có nội dung cổ vũ cho mê tín, dị đoan; hoặc kích động những người khiêng kiệu cố tình tạo ra “kiệu bay”… Điều này khiến nhiều người hoang mang, mất niềm tin vào nét đẹp của lễ hội.
Lễ hội không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Song, trước thực tế đang diễn ra, ngành văn hóa cần sớm đánh giá lại những ứng dụng công nghệ trong lễ hội đã được triển khai và những ứng dụng có nhiều tiềm năng để có những định hướng cụ thể hơn, với những nguyên tắc, tiêu chí nhất định.
Thí dụ như việc tôn trọng yếu tố nguyên gốc di sản phải được đặt lên hàng đầu; các ứng dụng công nghệ đóng vai trò như những công cụ hỗ trợ để bảo tồn giá trị di sản; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức lễ hội; hỗ trợ cho các hoạt động hội sinh động, hấp dẫn hơn…
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng công nghệ lấn át di sản, công nghệ trở thành hoạt động trung tâm chi phối các hoạt động lễ hội khác, khiến nét truyền thống thành cái bóng mờ cho những màn trình diễn sân khấu. Trên thực tế, một trong những điểm đặc biệt trong trưng bày trải nghiệm là việc kết hợp của leapmotion, công nghệ AI và 3D Mapping. Đặc biệt, công nghệ tương tác ảo 3D Mapping giúp công chúng dễ hình dung về lịch sử, di sản văn hóa hơn. Tuy nhiên, cần ứng dụng một cách hợp lý trong tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản, không làm sai lệch nguyên gốc di sản.
Đối với quảng bá lễ hội trên mạng xã hội, các cơ quan quản lý cũng cần có định hướng để người dân khi đưa thông tin biết gạn đục, khơi trong để phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội thay vì kích động tính tò mò, cổ vũ mê tín dị đoan, tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi, gây bất ổn xã hội. Khi hàm lượng công nghệ được ứng dụng hợp lý thì số hóa lễ hội truyền thống mới thật sự góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: https://nhandan.vn/so-hoa-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-post875122.html
Bình luận (0)